"Hãy đọc học thuyết triển khai vũ khí hạt nhân của Nga, mọi thứ đều được viết trong đó", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 17/9 khi được hỏi về khả năng nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột tại Ukraine.
Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin không cân nhắc khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, cảnh báo những "hậu quả nghiêm trọng" nếu điều này xảy ra.
"Đừng! Quyết định đó sẽ thay đổi diện mạo chiến sự nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào kể từ Thế chiến II", Tổng thống Biden trả lời trên đài CBS ngày 16/9 khi được hỏi ông sẽ gửi thông điệp nào đến Tổng thống Nga nếu ông Putin xem xét phương án triển khai vũ khí hạt nhân và hóa học tại Ukraine.
Tổng thống Putin hôm 16/9 nói rằng Nga đang thể hiện phản ứng thận trọng với những hành động của Ukraine, trong đó có nỗ lực "tấn công hạ tầng dân sự thiết yếu trên đất Nga và tổ chức các vụ tấn công khủng bố".
"Chúng tôi vẫn kiềm chế, nhưng chỉ trong giai đoạn hiện nay", ông chủ Điện Kremlin nói, dẫn đến những đồn đoán cho rằng Moskva có thể thay đổi cách tiếp cận với chiến sự trong tương lai.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cuối tháng 3 nêu ra 4 trường hợp cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, gồm: Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân, Nga và đồng minh bị tổn hại khi nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga bị tấn công vào hạ tầng trọng yếu gây tê liệt năng lực hạt nhân và sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này đối mặt "mối đe dọa sống còn", khẳng định tình hình chiến sự Ukraine hiện nay không đáp ứng điều kiện nào trong những kịch bản được nêu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng 8 nhấn mạnh không có mục tiêu nào ở Ukraine phù hợp với yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga sở hữu khoảng 2.000 vũ khí như vậy, có thể chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ.
Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin hôm 28/2 tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, phương Tây sau đó thông báo không phát hiện dấu hiệu cho thấy Nga có động thái triển khai lực lượng hạt nhân, bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo và tàu ngầm.
Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Reuters)