"Sự mở rộng của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cách tiếp cận của khối này đối với đường biên giới Nga không làm thế giới và châu Âu ổn định cũng như an toàn hơn", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm nay.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm nay đồng ý cho nước này gia nhập NATO, quyết định mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh quốc gia. Chính phủ và quốc hội Phần Lan dự kiến sớm thông qua động thái xin gia nhập liên minh quân sự.
Khi được hỏi liệu việc Phần Lan gia nhập NATO có phải là mối đe dọa hay không, Peskov trả lời "chắc chắn là vậy", nhấn mạnh Phần Lan đã tham gia "các bước không thân thiện" chống lại Nga.
"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quá trình này diễn ra như thế nào, cơ sở hạ tầng quân sự sẽ tiến gần tới biên giới của chúng tôi như thế nào", Peskov nói khi được hỏi về phản ứng của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết Moskva sẽ cần thực hiện "các bước trả đũa, cả về quân sự - kỹ thuật và các mặt khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đang nổi lên đối với an ninh quốc gia". "Helsinki phải nhận thức được trách nhiệm và hậu quả của động thái như vậy", tuyên bố của cơ quan này có đoạn viết.
Nga ngày 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập có thể mất khoảng một năm, do cần sự chấp thuận từ quốc hội của 30 nước thành viên. Các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh, Đức... đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Phần Lan và Thụy Điển nếu hai nước xin gia nhập.
Nộp đơn xin vào NATO sẽ không giúp hai nước Bắc Âu vào diện được bảo vệ theo Điều 5 Hiệp ước NATO, trong đó quy định mọi cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của khối cũng bị coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ cùng tham gia đáp trả.
Trong quá trình chuyển tiếp từ ứng viên xin gia nhập đến thành viên chính thức, Phần Lan và Thụy Điển sẽ cần một số biện pháp bảo đảm an ninh từ NATO, trong đó yêu cầu các nước trong liên minh hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ để đề phòng bất cứ mối đe dọa nào.
Ngày 11/5, Anh ký thỏa thuận an ninh với Thụy Điển và Phần Lan, cam kết hỗ trợ quân đội hai nước này nếu họ bị tấn công.
Đức Trung (Theo Reuters)