"Theo tôi được biết, họ chưa từng gặp nhau. Chúng tôi cũng không có bất kỳ cuộc đàm phán hay thỏa thuận nào với CEO Telegram", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 30/8, đề cập tới Tổng thống Vladimir Putin và ông Pavel Durov.
Tuyên bố được ông Peskov đưa ra trong bối cảnh truyền thông đặt nhiều hoài nghi về mối quan hệ bí mật giữa ông chủ Telegram và Điện Kremlin. Durov rời khỏi Nga năm 2014, nhưng được cho là đã nhiều lần quay lại nước này.
Alisher Usmanov, nhà tài phiệt thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, có thể đã giúp tài trợ Telegram trong giai đoạn đầu.
Các kênh truyền thông ủng hộ Điện Kremlin đưa tin anh trai Durov là Nikolai, người cũng bị Pháp truy nã, đang sống ở St. Petersburg, làm việc tại Viện Toán học Steklov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga danh tiếng. Trang web của viện này liệt kê Nikolai Durov là một nhân viên. Theo Telegram, Pavel hỗ trợ ứng dụng "về mặt tài chính", trong khi Nikolai "đóng góp về mặt công nghệ".
Ông Peskov cho biết việc ông Durov trở về thăm Nga là điều tự nhiên và bình thường, bởi Durov có quốc tịch Nga, có thể tự do di chuyển ở nước này.
CEO Telegram Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt tại sân bay ngoại ô Paris tối 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. Ông Putin vài ngày trước đó cũng dự một hội nghị ở Azerbaijan.
Các thẩm phán điều tra tại tòa án Paris ngày 28/8 quyết định truy tố Durov vì những cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo; từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức; rửa tiền; cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Durov được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 5 triệu euro. Ông cũng chịu hình thức giám sát tư pháp, bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.
Durov sinh năm 1984 ở St. Petersburg, sáng lập Telegram vào năm 2013 và rời Nga năm 2014 để đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) định cư. Telegram cho hay Durov có quốc tịch Pháp và UAE, không còn giữ quốc tịch Nga, trái với thông tin từ Moskva.
Nga đến nay là bên lên tiếng tích cực nhất bênh vực Durov trong sự việc. Một số blogger quân sự Nga bày tỏ lo ngại Durov có thể giao chìa khóa mã hóa của Telegram cho tình báo phương Tây, khiến quân đội Nga bị lộ nhiều thông tin mật, do đây là ứng dụng nhắn tin được binh sĩ Nga sử dụng phổ biến trên chiến trường Ukraine.
Moskva đánh giá vụ bắt Durov đã đẩy quan hệ Pháp - Nga xuống mức thấp mới. Một số người ủng hộ Điện Kremlin cáo buộc Washington đứng sau vụ bắt, điều Paris phủ nhận.
Đức Trung (Theo Reuters, Sputnik)