![]() |
Ảnh chụp vệ tinh cơ sở sản xuất uranium Natanz của Iran. Ảnh: AP. |
Theo Lavrov, Nga xem xét rất nghiêm túc tuyên bố của Iran. Tuy vậy, "chúng tôi không hề có thông tin rằng Iran có bất kỳ đột phá nào về công nghệ trong chương trình hạt nhân, có thể thay đổi bản chất quá trình làm giàu uranium ở nước này".
Hôm 9/4, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố nước này "đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân". Trước đó, một số quan chức Iran trong đó có nhà đàm phán hàng đầu Ali Larijani khẳng định, hệ thống gồm 3.000 cỗ máy ly tâm phục vụ tinh chế khí uranium đã bắt đầu được đưa vào vận hành. Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Iran Gholam Reza Aghzadeh còn cho hay họ có kế hoạch lắp đặt thêm 50.000 máy ly tâm ở cơ sở làm giàu uranium Natanz.
Mỹ tỏ ra rất lo ngại trước tuyên bố trên. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean McCormack cho rằng Iran đã "tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế và tự cô lập bản thân hơn nữa bằng việc mở rộng chương trình hạt nhân của họ". Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích.
Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết cấm vận đối với Iran vì nước này không chịu ngừng làm giàu uranium. Liên Hợp Quốc đưa ra hạn chót mới vào cuối tháng 5/2007 yêu cầu Iran phải ngừng quá trình này. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình song Mỹ và phương Tây cho rằng quốc gia Hồi giáo định làm bom nguyên tử.
H.N. (theo BBC)