"Quyết định được thúc đẩy bởi các mối đe dọa đang hiện diện dọc biên giới Nga. Môi trường cực kỳ thù địch ở biên giới phía tây và tình trạng bất ổn ở biên giới phía đông đòi hỏi những biện pháp phù hợp", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 17/9, đề cập sắc lệnh nâng trần quân số chiến đấu của Nga được Tổng thống Vladimir Putin ký duyệt trước đó một ngày.
Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/12, quy định quân số chiến đấu của tối đa của quân đội Nga sẽ tăng thêm 180.000 người so với hiện nay, lên 1.500.000 binh sĩ. Nếu tính cả những người không đảm nhiệm vai trò chiến đấu, lực lượng vũ trang Nga sẽ có tổng cộng gần 2,4 triệu quân nhân.
Đợt nâng trần sẽ khiến Nga vượt qua Ấn Độ và Mỹ, trở thành quốc gia biên chế số lượng binh sĩ chiến đấu nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Kartapolov trước đó nói rằng động thái nằm trong kế hoạch cải cách toàn diện lực lượng vũ trang, trong đó có tăng dần quy mô quân số để ứng phó với "tình hình quốc tế và hành động của những nước từng là đối tác của Nga", ám chỉ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Đây là lần thứ ba Tổng thống Putin ra lệnh tăng quy mô quân đội sau khi phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine đầu năm 2022. Lần gần nhất là tháng 12/2023, khi ông chủ Điện Kremlin yêu cầu bổ sung 170.000 binh sĩ trong biên chế quân đội, nâng quy mô lực lượng chiến đấu của nước này lên 1,32 triệu người.
Sắc lệnh mới nhất được ông chủ Điện Kremlin phê duyệt khi quân đội Nga đang đẩy mạnh tiến công ở mặt trận Donbass và nỗ lực đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi tỉnh Kursk.
Trong nhiều thập kỷ qua, Moskva đã nhiều lần chỉ trích NATO mở rộng về phía đông và kết nạp nhiều nước thành viên ở sát biên giới Nga, coi đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Giới chức Nga cũng khẳng định Ukraine định gia nhập liên minh này là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột hiện nay.
Nga cũng từng bày tỏ quan ngại Nhật Bản đang "ngày càng trở nên quân sự hóa với sự hỗ trợ của Mỹ", cũng như Washington có ý định triển khai tên lửa tầm xa ở quốc gia châu Á.
Phạm Giang (Theo RT, Reuters)