"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khối lượng đã ký theo hợp đồng, thậm chí ngay bây giờ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn phụ thuộc vào lập trường của châu Âu, của các nước phương Tây", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev trả lời kênh truyền hình LCI của Pháp hôm 26/8.
"Nếu chúng tôi bị 'trói tay', việc thanh toán bị cấm, chúng tôi không được bàn giao các tuabin đã sửa chữa, hay việc đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động bị từ chối, thì nguồn cung có thể không đạt khối lượng như các nước phương Tây mong đợi", ông Medvedev nhấn mạnh.
Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan và các nước Baltic đã bị Nga cắt khí đốt, trong khi những quốc gia châu Âu khác bị giảm mạnh nguồn cung. Khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 sẽ bị dừng vài ngày vào cuối tháng 8, lần thứ hai trong mùa hè năm nay.
Chính phủ các nước châu Âu không mong muốn kịch bản hệ thống sưởi ấm và nhà máy phải ngừng hoạt động do thiếu khí đốt. Nguồn cung giảm đẩy giá khí đốt và điện tăng vọt, do nhiều nhà máy nhiệt điện ở châu Âu vẫn sử dụng nguồn nhiên liệu này.
Khí đốt rất quan trọng với nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức, nơi sử dụng lượng lớn khí đốt để phục vụ các ngành công nghiệp nặng. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm đáng kể.
EU đã kêu gọi chia sẻ và tiết kiệm năng lượng giữa các thành viên trước một mùa đông khó khăn. EU tháng trước thông qua đề xuất các thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về cách phân bổ nếu thiếu khí đốt trên diện rộng.
Ukraine và Đức cáo buộc Nga biến khí đốt thành vũ khí gây sức ép với EU. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ theo hợp đồng, nhưng không thể bị đổ lỗi khi EU hoặc Canada áp đặt các lệnh cấm vận đơn phương đối với thiết bị, như các tuabin của Siemens cho Nord Stream 1.
Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2, hoàn thành cuối năm 2021, đã bị Đức hoãn cấp giấy phép vô thời hạn hồi tháng 2. Nord Stream 2 được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan, tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm.
Huyền Lê (Theo TASS)