"Nhiều khía cạnh quan trọng trong nỗ lực phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương đã được đề cập", theo thông báo từ Điện Kremlin về cuộc điện đàm ngày 7/6 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Kremlin cho biết hai lãnh đạo trao đổi về quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi vào cuối tháng 7 ở St. Petersburg và hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tháng 8. "Hai bên nhất trí Nga và châu Phi và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các nền tảng quốc tế", thông báo có đoạn viết.
Ông Putin đồng ý tiếp phái đoàn lãnh đạo châu Phi để thảo luận về sáng kiến của họ liên quan khủng hoảng Ukraine. Văn phòng tổng thống Nam Phi cho biết ông chủ Điện Kremlin hoan nghênh sáng kiến của phái đoàn.
Ông Ramaphosa hồi đầu tuần nói phái đoàn châu Phi, gồm tổng thống 6 nước Zambia, Senegal, Cộng hòa Congo, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, sẽ bắt đầu sứ mệnh hòa giải xung đột Nga - Ukraine "vào giữa tháng 6" nhưng không nêu thời điểm cụ thể.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Nam Phi đang trong thế tiến thoái lưỡng nan từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Putin hồi tháng 3. ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Nam Phi tháng 1 đã gửi lời mời Tổng thống Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8 với tư cách là nguyên thủ quốc gia thành viên trong khối. Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có dự thượng đỉnh BRICS hay không, Điện Kremlin ngày 30/5 nói Nga sẽ tham gia ở "cấp độ phù hợp".
BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.
Nam Phi đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Quốc gia này nói họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại chấm dứt xung đột. Ông Ramaphosa ngày 15/5 tuyên bố Nam Phi sẽ không bị lôi kéo "vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu" về vấn đề Ukraine.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 7/6 cho biết Moskva cảm thấy biết ơn khi các đối tác châu Phi đã không tham gia vào các chiến dịch bài Nga và chọn vị thế cân bằng trong cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)