Kirill Dmitriev, lãnh đạo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết các cuộc thảo luận kinh tế giữa phái đoàn Nga và Mỹ tại Arab Saudi ngày 18/2 chủ yếu tập trung vào định hướng chung, nhưng hai bên cũng đề cập đến một số lĩnh vực hợp tác cụ thể.
"Có lẽ sẽ có dự án chung ở Bắc Cực. Chúng tôi đặc biệt thảo luận về Bắc Cực", ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico sau cuộc họp ở Arab Saudi.

Lãnh đạo RDIF Kirill Dmitriev họp báo tại Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: AFP
Ông Dmitriev là thành viên phái đoàn Nga tham gia cuộc thảo luận tại Arab Saudi, bên cạnh Ngoại trưởng Sergey Lavrov cùng Yuri Ushakov, Cố vấn Đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio, cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff.
Cuộc họp tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi là lần tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát năm 2022. Ông Dmitriev đánh giá cuộc gặp đã diễn ra tích cực về phương diện hợp tác kinh tế, trong khi Ngoại trưởng Nga nhận định gặp gỡ các quan chức Mỹ là "điều rất hữu ích" để hai phía hiểu rõ lập trường của nhau.
"Đối thoại tích cực hơn nhiều, đặc biệt sau khi chính quyền cựu tổng thống Joe Biden phá hủy mọi kênh liên lạc. Chúng tôi đã thảo luận về nối lại hợp tác một số dự án kinh tế. Phía Mỹ lần đầu nắm được thông tin các công ty của họ đã thiệt hại 300 tỷ USD vì rút khỏi thị trường Nga", ông Dmitriev nói.

Tàu chở dầu Mikhail Ulyanov đến giàn khoan dầu Prirazlomnaya của Nga tại Bắc Cực năm 2014. Ảnh: Gazprom
Lãnh đạo RDIF nhấn mạnh hai nước nối lại các dự án kinh tế chung "có ý nghĩa then chốt với tái khởi động đối thoại". Ông nói rằng đàm phán cải thiện quan hệ Nga - Mỹ sẽ được triển khai qua hai mũi song song, gồm mũi chính trị dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Lavrov và Cố vấn Ushakov, còn mũi kinh tế do ông dẫn dắt.
"Họ đã nhận thức được quan hệ Moskva - Washington xấu đi chỉ gây hại cho doanh nghiệp Mỹ. Vẫn có cách để hai nước hợp tác hiệu quả, đôi bên cùng có lợi. Tôi không muốn đặt ra những kỳ vọng phi thực tế, nhưng các khoản đầu tư chung Nga - Mỹ giờ đây trở nên khả thi hơn nhờ cuộc gặp lần này", ông bổ sung.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/2 cũng thông báo Moskva - Washington đã đạt thỏa thuận thiết lập đối thoại về nối lại hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, gồm năng lượng, không gian và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.
Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil từng hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga để thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, nhưng đã rút khỏi dự án vào năm 2018 vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở Bắc Cực trong nhiệm kỳ này, điển hình là loạt tuyên bố sẽ mua Greenland và không loại trừ biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát hòn đảo chiến lược.
Thanh Danh (Theo Politico, Reuters, TASS)