Ông Kerry nói Washington nhất trí xem xét các ý tưởng của Moscow đã đưa ra trong cuộc trao đổi thẳng thắn, và thúc giục Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine.
"Bất kỳ tiến triển nào cũng cần bao gồm việc rút quân của lực lượng quy mô lớn của Nga hiện đang tập trung ở biên giới Ukraine", ngoại trưởng Mỹ nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng mọi cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine phải có sự tham dự của Ukraine.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận con đường phía trước mà chính phủ hợp pháp của Ukraine không tham gia đàm phán. Nguyên tắc này là rõ ràng. Không có quyết định nào được đưa ra về Ukraine mà không có sự có mặt của Ukraine".
Ông Kerry cho biết thêm Washington sẽ làm việc với các lãnh đạo tạm quyền ở Kiev để đảm bảo quyền của những người thiểu số và quyền duy trì ngôn ngữ, cũng như việc giảm trừ quân bị và một cuộc trưng cầu tổng thống tự do và công bằng trong tháng 5 tới.
Quan điểm của Nga cho rằng quân đội Nga ở khu vực gần biên giới với Ukraine chỉ hoạt động diễn tập bình thường, không mang tính đe dọa nước láng giềng. Moscow muốn Ukraine thông qua việc tổ chức nhà nước theo hình thức liên bang, bởi việc này có thể giúp đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ cho một Ukraine đang rất chia rẽ giữa phía đông và phía tây.
Moscow mong muốn một số khu vực của Ukraine tuyên bố tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai và có thêm những quyền độc lập khỏi chính quyền trung ương ở Kiev. Theo các nhà phân tích, điều này là nhằm làm giảm ảnh hưởng của một chính quyền thân phương tây ở trung ương Ukraine đối với các vùng trong nước.
Nga cũng muốn có một hiến pháp mới tuyên bố Ukraine là một đất nước trung lập, không gia nhập NATO, mặc dù các lãnh đạo tạm quyền Ukraine tuyên bố "không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự".
Cuộc gặp bất ngờ giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga chủ động điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận về một con đường ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
Khánh Lynh