![san-bay-3192-1395319796.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/03/20/san-bay-3192-1395319796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8CVJpKDNKNXAStjvf18elA)
Sân bay quân sự Kubinka nằm ở phía tây Moscow. Ảnh: Itar-Tass
Hãng thông tấn Itar-Tass cho hay, chuyến bay thanh sát của các chuyên gia Ukraine sẽ bắt đầu từ hôm nay. Đoàn thanh sát gồm 16 chuyên gia Ukraine cùng hai chuyên gia của Mỹ và Canada, xuất phát từ sân bay quân sự Kubinka, ngoại ô Moscow.
Sergey Ryzhkov, người đứng đầu Trung tâm Giảm nhẹ Nguy cơ Hạt nhân Quốc gia Nga, cho biết Ukraine hôm 11/3 gửi yêu cầu thực hiện chuyến bay thanh sát đến lãnh thổ Nga từ ngày 17/3-21/3. Đề nghị của Ukraine được Bộ Quốc phòng Nga đồng ý một ngày sau đó.
Tuy nhiên, hoạt động này phải hoãn lại do ảnh hưởng từ các vấn đề tài chính và khủng hoảng kinh tế tại Ukraine. Theo các quan chức của Nga, phía Ukraine mới trả các khoản phí dịch vụ liên quan vào hôm qua nên các chuyên gia chỉ có thể thực hiện chuyến bay vào ngày hôm nay. Theo hiệp ước này, Ukraine sẽ chi trả các khoản phí về chỗ ở, nhiên liệu và dịch vụ khác trên mặt đất.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm 11/3 cho biết Moscow đã cho phép các quan sát viên người Ukraine thanh sát các khu vực Kursk và Belgorod để chứng minh không hề có mối đe dọa nào nào với Ukraine.
"Trong quá trình thanh sát, các đại diện của Ukraine có thể có cơ hội kiểm tra các khu vực trên để thấy rằng không có hoạt động quân sự nào được tiến hành ở đây", ông Antonov nói thêm.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 do tổng thống Mỹ George H.W. Bush khởi xướng. Hiệp ước này giúp thiết lập một cơ chế các chuyến bay quan sát bầu trời không vũ trang trong phạm vi là 34 nước thành viên, nhằm thúc đẩy việc công khai và minh bạch của các hoạt động và lực lượng quân sự.
Nga thông qua hiệp ước vào ngày 26/5/2001. Đây là lần đầu tiên chuyến bay thanh sát của Ukraine trên lãnh thổ Nga được thực hiện kể từ sau khi ký kết Hiệp ước.
Cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết nước này sẽ không vội đưa ra chế một chế độ thị thực riêng đối với Nga, sau động thái sáp nhập Crimea của Moscow.
Phát biểu tại Brussels, Bỉ, ông Yatseniuk cho biết: "Sáng kiến này có thể chưa thực sự là một phương án hiệu quả để ảnh hưởng đến Nga". Tuy nhiên, nó có thể tác động tiêu cực đến người dân Ukraine đang sinh sống ở các tỉnh phía đông của nước này, nơi cư dân chủ yếu nói tiếng Nga.
Thùy Linh