Sholban Kara-ool, lãnh đạo vùng Tuva ở phía nam vùng Siberia của Nga, hôm nay cho biết tất cả người chăn thả gia súc và mọi cư dân của hai huyện biên giới Ovyursky và Mongun-Taiginsky phải được tiêm chủng vaccine dịch hạch. Hai huyện biên giới này là nơi sinh sống của khoảng 14.000 người.
"Căn bệnh này rất nguy hiểm", Kara-ool cho biết, thêm rằng tất cả người dân trên hai tuổi phải được tiêm chủng.
![Nhân viên y tế Mông Cổ tiêm chủng dịch hạch cho trẻ em đầu tuần này. Ảnh: Tuva Media.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/13/dich-hach-5769-1597316129.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4HQJIONh4mitvFZxikfMlQ)
Nhân viên y tế Mông Cổ tiêm chủng dịch hạch cho trẻ em đầu tuần này. Ảnh: Tuva Media.
Lệnh được ban bố sau khi Bộ Y tế Mông Cổ hôm 12/8 thông báo ca tử vong mới nhất liên quan đến dịch hạch là một người đàn ông 42 tuổi ở phía tây nước này.
Quan chức y tế công cộng trước đó kêu gọi cư dân các vùng núi Tuva và Altai không săn bắn hoặc ăn chuột marmot, loài gặm nhấm có nguy cơ mang mầm bệnh dịch hạch.
Bệnh dịch hạch, được gọi là "Cái chết đen" thời Trung cổ, là bệnh do vi khuẩn lây lan từ bọ chét sống trên các loài gặm nhấm hoang dã như chuột marmot. Bệnh có thể khiến người lớn tử vong trong chưa đầy 24 giờ nếu không được chữa trị kịp thời, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
![Vị trí vùng Tuva của Nga giáp biên giới với Mông Cổ. Đồ họa: Wiki.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/13/3-2375-1597317756.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SnxLRojbMsV3j6C9l1w6ZA)
Vị trí vùng Tuva của Nga giáp biên giới với Mông Cổ. Đồ họa: Wiki.
Trung Quốc và Mông Cổ gần đây ghi nhận các ca nhiễm dịch hạch. Thành phố Bayan Nur ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc tuần trước phát cảnh báo cấp ba sau khi một bệnh nhân dịch hạch tử vong.
Huyền Lê (Theo AFP)