Video do Lữ đoàn Azov Ukraine đăng cuối tuần trước về cuộc phục kích lực lượng Nga gần làng Terny ở tỉnh Donetsk có cảnh một chiếc xe tăng T-72B3M bị bỏ lại. Trên nóc chiếc xe chất đầy các thiết bị gây nhiễu ghép nối với nhau thành hệ thống tác chiến điện tử theo kiểu "quái vật Frankenstein".
"Nó giống thứ gì đó từ trong bộ phim Mad Max vậy", chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine Sergii Flash nhận định. "Có ba ăng-ten dạng tấm với khả năng gây nhiễu ở tần số 800 MHz, 900 MHz và 5,8 GHz, cũng như các module gây nhiễu ở tần số 700-1000 MHz. Chúng được buộc lại với nhau bằng dây thừng".
Hệ thống tác chiến điện tử chỉ hoạt động khi có nguồn điện, song không phải xe tăng nào của Nga cũng có nguồn phụ, đặc biệt là các dòng đời cũ như T-72B3M. Điều này đồng nghĩa nếu xe tăng tắt động cơ, thiết bị gây nhiễu cũng sẽ ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, tổ vận hành chiếc T-72B3M đã có giải pháp ứng phó. "Họ lắp sẵn máy phát và ắc quy để vận hành tổ hợp này", Flash cho biết.
Trong cuộc phục kích, lực lượng Ukraine đã triển khai hàng loạt thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) FPV tập kích đoàn xe Nga, song gặp nhiều khó khăn trước hệ thống tác chiến điện tử "quái vật Frankenstein" của đối phương.
"Dù hoạt động trên nhiều tần số khác nhau, drone FPV của chúng tôi rụng như sung bởi chiếc xe tăng được gắn 'quái vật tác chiến điện tử' này", chuyên gia Ukraine viết trên Telegram. "Dù vậy, nó cũng không thể cứu được chiếc xe".
Một tài khoản mạng xã hội chuyên đưa tin về chiến sự Ukraine cho biết tổ hợp gây nhiễu trên xe tăng T-72B3M đã đánh chặn 4 drone FPV, trong khi những chiếc còn lại trong đoàn liên tiếp bị tập kích.
Tổ lái dường như đã tìm cách đưa chiếc T-72B3M thoát khỏi trận địa phục kích, nhưng đã đâm phải xác một thiết giáp bị vô hiệu hóa trước đó, khiến nó khựng lại. Một drone Ukraine nhanh chóng áp sát rồi lao vào chiếc xe tăng, buộc lính Nga phải bỏ xe tháo chạy.
Theo chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes, mỗi thiết bị tác chiến điện tử chỉ có thể ứng phó với một băng tần vào một thời điểm. Để có thể vô hiệu hóa drone FPV, nó phải phát tín hiệu gây nhiễu ở đúng băng tần mà thiết bị đó đang sử dụng để liên lạc với tổ vận hành. Trong trường hợp chọn sai tần số, chiếc drone sẽ dễ dàng vượt qua và lao vào mục tiêu.
"Điều đó có nghĩa là họ phải biết băng tần nào mà đối phương đang sử dụng, hoặc gắn lên xe hàng chục thiết bị gây nhiễu khác nhau" để có thể chặn hết mọi băng tần giống như Nga đã làm, Hambling nhận định.
Lực lượng Ukraine không tiết lộ đã sử dụng phương pháp nào để vượt qua hàng rào tác chiến điện tử trên cỗ xe tăng "quái vật" của Nga. Theo chuyên gia Hambling, Kiev có thể đã triển khai một số dòng drone FPV có khả năng kháng nhiễu, như loại sử dụng dây cáp để liên lạc với tổ vận hành thay vì tín hiệu vô tuyến không dây, hoặc loại có khả năng nhắm mục tiêu tự động mà không cần người điều khiển.
Nhận thấy xe tăng còn khá nguyên vẹn, Lữ đoàn Azov đã quyết định mở chiến dịch thu hồi. Họ mất ba đêm mới đưa được chiếc xe về đơn vị, do phải tốn thời gian gỡ dây mắc ở bánh xích, phá mìn chống tăng và thay nguồn điện cho khí tài này.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Đây không phải lần đầu tiên vũ khí, thiết bị quân sự dạng "quái vật Frankenstein" được triển khai tại chiến trường Ukraine. Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin cuối tháng 12/2023 cho biết các sản phẩm đầu tiên của dự án FrankenSAM đã được nước này triển khai trên chiến trường.
Đây là chương trình ghép nối các bộ phận của hệ thống phòng không phương Tây với tổ hợp cũ thời Liên Xô mà Ukraine có rất nhiều trong kho.
Hình ảnh trên mạng xã hội trước đó cũng cho thấy Nga đã gắn hệ thống rocket chống ngầm RBU-6000 (Smerch-2) lên xe tải dân dụng để tác chiến tại địa điểm gần làng Krynki ở bờ đông sông Dnieper.
Phạm Giang (Theo Forbes, Kyiv Post, Defense Express)