Công bố do ông Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo ngày 13/5. Ông nhận định việc điều trị bằng thuốc này có thể giảm một nửa thời gian phục hồi đồng thời giảm gánh nặng cho các trung tâm y tế và 50% số bệnh nhân nặng.
Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm lâm sàng với 330 bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Ngoài ra, RDIF đang tăng cường đầu tư để sản xuất các bộ xét nghiệm trong nước đồng thời cung cấp 2 triệu USD tài trợ cho dự án thử nghiệm lâm sàng favipiravir tại Nga.
Giáo sư Andrei Ivashchenko, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết công ty này có thể sản xuất hàng chục nghìn liều điều trị trên mỗi tháng, con số được cho là mức cần tối thiểu cho cả nước.
Tuy nhiên, hiện chưa có đủ dữ liệu để nói rằng việc điều trị sẽ hiệu quả như thế nào đối với những bệnh nhân nặng. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có một số tác dụng phụ như phụ nữ mang thai không được sử dụng và có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Favipiravir, được sản xuất bởi một công ty con về y tế của Fujifilm. Thuốc được cấp phép sử dụng ở Nhật từ năm 2014 và đang thử nghiệm tại Trung Quốc để điều trị Covid-19. Loại thuốc này cũng được công ty dược phẩm Glenmark thử nghiệm tại Ấn Độ.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các quốc gia ráo riết chạy đua để phát triển thuốc điều trị virus. Thuốc kháng virus nếu có sẽ là giải pháp nhanh chóng hơn vaccine, thứ cần nhiều tiền của và thời gian, ước chừng 18 tháng đến hai năm.
Hiện các thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 chủ yếu dùng thuốc cũ có công dụng khác nhau như thuốc kháng virus remdesivir, thuốc chống sốt rét cloroquine hoặc hydroxychloroquine, thuốc ức chế HIV ritonavir và lopinavir, thuốc viêm khớp interferon....Trong đó, thuốc kháng virus remdesivir cho kết quả khả quan trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và được cấp phép sử dụng tại Mỹ và Nhật Bản.
Tính đến ngày 13/5, Nga ghi nhận hơn 242.000 người nhiễm và 2.212 người tử vong. Toàn thế giới có hơn 4,4 triệu người nhiễm và hơn 298.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Thùy An (Theo Reuters)