"Thổ Nhĩ Kỳ có thể nghiêng về phương Tây. Chúng tôi biết trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ có giai đoạn nghiêng hẳn về phương Tây, có giai đoạn ngược lại", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm nay.
Theo ông Peskov, người dân châu Âu không muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một phần châu lục này. "Đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi nên cởi bỏ lăng kính màu hồng", ông Peskov cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên năm 1987. Quá trình đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu năm 2005, khi ông Tayyip Erdogan còn là thủ tướng, nhưng đạt ít tiến triển.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 10/7. Ảnh: AFP
Quá trình đàm phán đóng băng sau đó, quan hệ giữa hai bên dần xấu đi, đặc biệt là từ cuộc đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Quan hệ Ankara - Brussels dần cải thiện khi EU phụ thuộc nhiều hơn vào Thổ Nhĩ Kỳ để ứng phó cuộc khủng hoảng nhập cư.
Tổng thống Erdogan ngày 10/7 nói EU nên mở đường nối lại đàm phán, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu nói việc mở rộng NATO và EU là "các vấn đề khác nhau" và không thể liên kết hai quy trình này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 10/7 cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên để mong muốn gia nhập EU gây trở ngại cho NATO kết nạp Thụy Điển.
Như Tâm (Theo TASS, Reuters)