Lễ khởi công dự án được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành qua video, là một trong ba dự án tham vọng nhằm củng cố vai trò xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới của Moscow.
Đường ống "Năng lượng Siberia", được Tổng thống Nga Vladimir Putin xem là dự án xây dựng lớn nhất thế giới, là kết quả của nhiều năm đàm phán giữa Nga và Trung Quốc.
Hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ USD được hai bên ký vào năm 2014, theo đó Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm khi đường ống đi vào vận hành toàn bộ từ 2025. Đây cũng là hợp đồng lớn nhất của Gazprom, gã khổng lồ năng lượng của Nga.
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho rằng đường ống dẫn khí Năng lượng Siberia dài 3.000 km từ các khu vực hẻo lánh đông Siberia tới biên giới Trung Quốc có tầm quan trọng rất lớn với cả Nga và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy hạ tầng phát triển ở vùng Viễn Đông.
Gazprom cho biết đường ống chạy xuyên qua "đầm lầy, vùng núi, khu vực hoạt động địa chấn, băng vĩnh cửu và đá với điều kiện môi trường khắc nghiệt". Nhiệt độ dọc theo tuyến đường ống có nơi xuống -60 độ C như ở vùng Yakutia và -40 độ C ở Amur, vùng Viễn Đông của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói tại thủ đô Moskva tuần trước rằng đường ống "Năng lượng Siberia" sẽ giúp hai nước tăng cường hợp tác và "bổ sung thế mạnh của nhau".
Nga cũng lên kế hoạch sớm khởi công hai đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Nord Stream-2 nhằm cung cấp khí đốt cho châu Âu không qua ngả Ukraine. TurkStream, dự án dẫn khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, được kỳ vọng đi vào hoạt động trong tháng 1/2020, trong khi Nord Stream-2, đường ống giúp gia tăng gấp đôi lượng khí đốt tới Đức, dự kiến bắt đầu vận hành từ giữa 2020.
Giới chuyên gia cho rằng ba dự án có lợi ích kinh tế và chính trị dài hạn đối với Nga, giúp nước này thâm nhập thị trường châu Âu ở phía tây và thị trường Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng nhanh ở phía đông. "Nga không chỉ thu lợi nhờ dòng khí đốt mà còn mở rộng nhiều thị trường và củng cố vị trí chiến lược", Andrew Hill, chuyên gia hàng đầu về năng lượng tại S&P Global Platts khu vực thị trường mới nổi, nhận định.
Trước khi đường ống "Năng lượng Siberia" được khởi công, Nga và Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng cầu đường bộ đầu tiên nối lãnh thổ hai nước. Cây cầu dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020, kết nối thành phố Blagoveshchensk của Nga và thành phố Hắc Hà, phía bắc Trung Quốc.
Nhật Duy (Theo AFP)