Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay cho hay Nga tiếp tục phóng nhiều tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát tập kích hàng loạt mục tiêu ở nước này, trong đó có các hạ tầng năng lượng trọng yếu. Đợt tấn công diễn ra một tuần sau khi Nga tiến hành vụ tập kích dữ dội hôm 10/10, nhắm vào Kiev và hơn 10 thành phố khác của Ukraine.
Đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua Nga tiến hành các cuộc tập kích bằng vũ khí tầm xa với quy mô lớn như vậy. Những trận "mưa tên lửa" trút xuống các thành phố Ukraine diễn ra sau loạt động thái leo thang căng thẳng của Nga như sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, phát lệnh động viên một phần và cảnh báo về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ nếu "toàn vẹn lãnh thổ" bị xâm phạm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Chris Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại trường King's College London, cho rằng chiến thuật tập kích tên lửa này của Nga sẽ không tạo ra được bước đột phá trên chiến trường, khó giải quyết được những khó khăn với lực lượng Nga và không thể kéo dài.
"Các cuộc tấn công bằng tên lửa không báo hiệu một giai đoạn mới trong chiến sự hay thay đổi trong chiến lược của Nga. Chúng chỉ là phản ứng của Moskva với một số sự việc nhất định, như vụ nổ cầu Crimea hay áp lực chính trị từ những người có quan điểm cứng rắn ở Nga muốn mạnh tay với Ukraine", tiến sĩ Tuck nói với VnExpress.
Ông Tuck thêm rằng chiến thuật sử dụng tên lửa tấn công các mục tiêu ở Ukraine không mới, bởi Nga đã nhiều lần thực hiện các đòn tập kích như vậy trong gần 8 tháng chiến sự. Điều khác biệt trong đợt tập kích lần này "chỉ đơn giản là cường độ", khi hàng chục tên lửa ồ ạt tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, điều mà Moskva khó có thể duy trì.
"Nga không có kho dự trữ đủ lớn để duy trì các cuộc tập kích bằng tên lửa liên tục với quy mô như tuần qua", ông nhận xét.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 14/10 cho biết trước khi chiến sự nổ ra, Nga sở hữu 1.844 tên lửa đạn đạo Iskander, tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa Kh-101, Kh-555 phóng từ máy bay. Tuy nhiên, đến ngày 12/10, kho tên lửa của Nga chỉ còn khoảng 609 quả. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Theo tiến sĩ Tuck, phản ứng của Ukraine và phương Tây sau loạt đòn tập kích tên lửa cũng sẽ gây bất lợi ngày càng lớn cho Nga. Về mặt chính trị, Ukraine ngày càng có lý do chỉ trích tại các diễn đàn quốc tế về hành vi tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Nga. Về mặt quân sự, phương Tây sẽ được tiếp thêm động lực để chuyển giao cho Ukraine các loại khí tài phòng không hiện đại hơn để đánh chặn tên lửa Nga.
Các đánh giá tình báo phương Tây cũng cho rằng các cuộc tập kích tên lửa của Nga mang rất ít giá trị chiến lược, dù chúng khiến cuộc sống của người dân ở nhiều thành phố Ukraine bị đảo lộn.
Trên thực địa, tình hình chiến trường tiếp tục có lợi cho quân đội Ukraine. Sau chiến dịch phản công chớp nhoáng, Ukraine đã giải phóng 9.000 km vuông lãnh thổ ở miền đông và đông bắc. Tại tỉnh Kherson ở miền nam, quân đội Ukraine giành lại thêm một số khu định cư và duy trì đà tiến ổn định trong những tuần gần đây.
Giới quan sát quân sự cho hay đà tiến của Ukraine sẽ chậm hơn khi mùa đông mang theo băng tuyết ở miền đông và bùn lầy ở miền nam, nơi diễn ra các trận giao tranh gần đây. Nhưng vào thời điểm hiện nay, lực lượng Ukraine nhiều khả năng sẽ duy trì thế chủ động và đà thọc sâu của mình để tối đa hóa lợi thế trước khi mùa đông đến.
Ukraine đã xoay chuyển cục diện chiến trường nhiều đến mức câu hỏi đặt ra lúc này là Kiev sẽ có thể giành thêm bao nhiêu lãnh thổ, chứ không phải liệu Nga có thể đạt mục tiêu của họ hay không, Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, nhận định trong một bài viết của Washington Post.
Rob Lee cho rằng quân đội Ukraine giờ đây vượt trội đối phương về hầu hết các mặt, từ hệ thống pháo phản lực chính xác được phương Tây hỗ trợ, đến lực lượng tác chiến có số lượng lớn và nhiều kinh nghiệm.
Trong khi Ukraine tiếp tục nhận được nguồn cung vũ khí mới từ phương Tây, Nga tiếp tục chịu tổn thất nặng nề về lực lượng và khí tài, phải rút về phòng thủ. Các đánh giá của tình báo Mỹ cho biết Nga đã mất khoảng 6.000 xe tăng, xe bọc thép và các khí tài khác trong gần 8 tháng chiến sự. Không ít vũ khí Nga đã bị lực lượng Ukraine tịch thu và bổ sung vào biên chế.
"Ukraine có lợi thế và Nga đang gặp khó khăn để đối phó với những lợi thế đó. Chừng nào Ukraine còn nhận được hỗ trợ của NATO, họ sẽ tiếp tục thành công trên chiến trường", Lee nói.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên 300.000 quân dự bị cho chiến dịch. Ông Putin hôm 14/10 cho hay Nga đã huy động được hơn 222.000 lính dự bị, trong đó khoảng 16.000 người đã được triển khai tới tiền tuyến, và lệnh động viên sẽ kết thúc trong hai tuần tới.
Tuy nhiên, Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan ở Ba Lan, hoài nghi về hiệu quả của biện pháp huy động lực lượng này. Giới chức quân đội Ukraine cho hay họ không nhận thấy bất kỳ tác động rõ rệt nào từ khoảng 16.000 lính dự bị được triển khai tới chiến trường như thông báo của ông Putin.
Yuriy Saks, cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine, cho rằng nếu 200.000 quân dự bị được điều đến chiến trường, mọi thứ có thể thay đổi. Nhưng những người được triển khai tới Ukraine cho đến nay "được huấn luyện rất hạn chế và không được trang bị tốt. Thực sự khó có khả năng họ sẽ tạo ra thay đổi nào trong thời gian tới", ông nói thêm.
Cố vấn Saks cho rằng việc đưa hàng chục nghìn binh sĩ thiếu kinh nghiệm và trang bị tới nơi có mùa đông khắc nghiệt như Ukraine có thể khiến họ dễ mất tinh thần và giảm hiệu quả tác chiến.
Ukraine dường như cũng tránh bị kéo vào các cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga. Thay vào đó, họ tận dụng các vũ khí chính xác tầm xa để tập kích vào sở chỉ huy, khí tài quan trọng và tuyến tiếp tế của đối phương.
"Nga hy vọng giành một số chiến thắng nhờ ưu thế về số lượng. Nhưng chúng tôi muốn thắng bằng sự vượt trội về công nghệ, chứ không phải là các trận chiến bộ binh", Saks nói.
Tiến sĩ Chris Tuck cho rằng Nga có ba lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. "Một là ông Putin có thể đàm phán với Ukraine để đạt giải pháp chính trị. Hai là tiếp tục leo thang và hy vọng buộc Kiev chấp nhận đàm phán hòa bình. Và ba là ông ấy có thể kéo dài xung đột nhằm bào mòn ý chí của Ukraine", ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định trong bối cảnh ông Putin loại trừ khả năng đàm phán, giải pháp với Nga ngày càng trở nên hạn chế hơn. "Vấn đề cốt lõi trong những khó khăn của Nga hiện nay là họ thiếu những phương án khả thi để có thể thay đổi cục diện chiến trường và chiến thuật tập kích bằng tên lửa cũng vậy", ông Tuck nói.
Thanh Tâm