![]() |
Xác tàu Kursk sau khi được vớt lên hồi tháng 10/2001. |
Theo Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Nga, Vladimir Ustinov, nguyên nhân của bi kịch là “do một ngư lôi phát nổ ở trong ống chứa ngư lôi thứ 4. Chất hydro peroxide (nhiên liệu của ngư lôi) bị rò, tiếp xúc với dầu lửa và kim loại đã gây ra nổ".
Ustinov bác bỏ những lời cáo buộc của một số thân nhân thuỷ thủ tàu Kursk, cho rằng ngư lôi đã có vấn đề từ trước. Một số bản tin trên báo chí Nga còn khẳng định nhiên liệu bị rò, vì ngư lôi hư hỏng trong khi được đưa lên tàu ngầm.
“Không hề có bằng chứng là ngư lôi đã bị đánh rơi trong quá trình xếp lên tàu”, ông Ustinvo khẳng định. Theo ông, vụ nổ xảy đến bất thình lình, trong lúc Kursk sắp nổi lên mặt biển và chuẩn bị phóng thử ngư lôi. Nhật ký hàng hải và máy ghi âm trên tàu cũng không nhắc đến hiện tượng gì lạ.
Suốt 2 năm, chính phủ Nga tỏ ra miễn cưỡng trong việc thừa nhận tàu ngầm của họ bị phá huỷ do sự cố ở bên trong tàu. Tuy nhiên hồi đầu tháng, uỷ ban điều tra khẳng định đó là lý do duy nhất.
23 thuỷ thủ thoát chết sau vụ nổ đầu tiên, đã tụ tập ở phần đuôi tàu ngầm. Nhưng tất cả họ đã qua đời trong vòng 8 tiếng đồng hồ vì ngộ độc khí CO.
Kết luận của Viện Kiểm sát là một lời bênh vực cho chính phủ của ông Putin. Tổng thống Nga từng bị chỉ trích là không mau lẹ kết thúc kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen khi Kursk gặp nạn. Chính phủ sau đó lại không muốn nhận sự giúp đỡ của phương Tây, mặc dù các tàu lặn của Nga mất hàng ngày trời vẫn không lần được đến lối thoát khẩn cấp của tàu Kurk. Cuối cùng, khi Matxcơva mời các thợ lặn nước ngoài, họ chỉ mất mấy tiếng đồng hồ là vào được bên trong tàu.
Minh Châu (theo AP)