"Nhà cung cấp chính các loại vũ khí và thiết bị quân sự cho chiến binh IS là Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã làm vậy thông qua các tổ chức phi chính phủ. Hoạt động này được giám sát bởi tổ chức tình báo quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ", đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vitaly Churkin, viết trong lá thư gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo RT.
Theo đại sứ, việc vận chuyển có liên quan đến các đoàn xe cứu trợ nhân đạo. Lá thư đề cập đến một số tổ chức phi chính phủ, do các nguồn Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài tài trợ, đã gửi nhiều kiện hàng, bao gồm cả trang thiết bị quân sự, đến Syria vào năm ngoái.
"Tổ chức Besar đã tham gia nhiều nhất vào việc này. Năm 2015, họ đã sắp xếp khoảng 50 đoàn xe đến các khu vực Bayirbucak và Kızıltepe của người Turk ở Syria (cách Damascus 260 km về phía bắc)", ông Churkin viết, nhấn mạnh rằng Tổ chức Iyilikder và Tổ chức Nhân quyền và Tự Do ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên quan.
Việc giao hàng được thực hiện thông qua các trạm kiểm soát khác nhau trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, cũng như đường thủy, đặc biệt là sông Euphrates, bức thư viết.
Đại sứ nói rằng những kẻ khủng bố trong những tháng gần đây nhận được hệ thống tên lửa chống tăng TOW, súng phóng lựu RPG-7, súng không giật M-60, và lựu đạn, cùng các loại đạn dược và công cụ truyền thông.
"Tổng nguồn cung cấp cho khủng bố thông qua Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015 như sau: 2.500 tấn Nitrat amoni (trị giá 788.700 USD), 456 tấn kali nitrat (468.700 USD), 75 tấn bột nhôm (496.500 USD), natri nitrat (19.400 USD), glycerin (102.500 USD) và axit nitric (34.000 USD)", ông Churkin viết. Như vậy, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã để cho số chất nổ và hóa chất trị giá khoảng 1,9 triệu USD được tuồn trái phép qua biên giới với Syria.
Quan hệ giữa Ankara và Moscow xấu đi kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, khiến Điện Kremlin áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Ankara, chủ yếu nhắm vào ngành du lịch và nông nghiệp. Cuối năm 2015, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch dầu với IS ở Syria, tuy nhiên Ankara bác bỏ cáo buộc này.
Phương Vũ