Binh sĩ Nga tại một trạm kiểm soát trên đất Gruzia. Ảnh: AFP. |
Nga trước đó đồng ý rút binh sĩ khỏi các vị trí đóng quân tại Gruzia trước giữa tháng 10 tới. Lực lượng này đồn trú tại đây kể từ sau khi cuộc xung đột nổ ra hôm 7/8. Cũng trong ngày hôm qua, những binh sĩ đầu tiên cùng xe quân sự đã bỏ trạm kiểm soát tại thị trấn Ganmukhuri bên bờ Biển Đen, gần Abkhazia.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận động thái rút quân khỏi Ganmukhuri. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Gruzia bình luận: "Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy quân Nga đang rút khỏi khu vực mà họ gọi là vùng đệm an ninh. Đây cũng chính là kết quả của thoả thuận đạt được hôm 8/9".
Nga vẫn duy trì lực lượng tại Nam Ossetia và Abkhazia cùng vùng đệm xung quanh hai vùng đất ly khai này. Đáng chú ý trong số đó là sự hiện diện của quân Nga gần cảng Poti chiến lược của Gruzia bên bờ Biển Đen. Hôm 5/9, chiến hạm Mỹ USS Mount Whitney chở hàng cứu trợ đã cập cảng này.
Matxcơva tuyên bố sẽ xây dựng các căn cứ quân sự tại Nam Ossetia và Abkhazia, đồng thời cũng lập quan hệ ngoại giao chính thức với hai vùng đất ly khai này sau khi công nhận nền độc lập của họ hôm 26/8, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Gruzia và phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết thêm, binh sĩ nước này duy trì tại hai khu vực trên theo đề nghị của chính quyền sở tại. "Các binh sĩ sẽ đóng tại đó trong thời gian dài. Đây là điều hoàn toàn cần thiết để ngăn chặn việc lặp lại các hành động quân sự", ông nhấn mạnh.
Ông Lavrov cũng cho rằng Abkhazia và Nam Ossetia cần được tham gia các cuộc đàm phán về Gruzia, dự kiến diễn ra vào tháng sau tại Geneva, Thụy Sĩ, như "các quốc gia đầy đủ tư cách". Nga dự kiến sẽ ký các hiệp ước về triển khai quân với hai vùng đất này trong những ngày tới.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, tại mỗi vùng ly khai sẽ có 3.800 binh sĩ đồn trú. Trước đó Tổng thống Dmitry Medvedev có đề cập Matxcơva có ý định duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng thông báo của ông Serdyukov lần đầu tiên cho biết cụ thể số binh sĩ Nga sẽ được triển khai tại Nam Ossetia và Abkhazia.
Đình Chính (theo BBC, AP)