Chiều 28/7, tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùng các nhà khoa học đã cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa), sau hành trình khảo sát 14 ngày các vùng biển Việt Nam.
Đây là chuyến khảo sát lần thứ sáu do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp thực hiện.
Đoàn khảo sát có 19 nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Phía Việt Nam có 18 nhà khoa học đến từ các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Dầu khí.
Hành trình lần này các nhà khoa học tập trung thu thập và tìm hiểu về thành phần các rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất sinh học trong vi sinh vật biển. Các vùng biển Nha Trang, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Nam Du, An Thới và bãi cạn đới ngầm... đều được nhà khoa học khai thác ở độ sâu 500 m trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau.
Nhiều mẫu sinh vật, vi sinh vật, độc tố biển và đặc biệt là rong biển phục vụ nghiên cứu y - sinh - dược đã được thu thập. Dịp này, những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học về vùng biển giữa hai nước cũng được các nhà khoa học chia sẻ.
Tàu Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học Nga tiến hành nghiên cứu biển Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005, vị trí khảo sát vịnh Vân Phong và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Hồi năm 2015, tàu đã đến Việt Nam lần thứ năm, khảo sát trên vùng biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở độ sâu 400 m.
Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu.
Xuân Ngọc