"Nếu thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo và thiết bị khác thực sự xuất hiện ở các nước Đông Âu và vùng Baltic, đó sẽ là bước đi quyết liệt nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh", quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Yuri Yakubov, nói.
"Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng cường lực lượng và nguồn lực tại biên giới phía tây chiến lược", Interfax dẫn lời ông nói.
Ông cho biết phản ứng của Nga có thể gồm đẩy nhanh tiến độ triển khai các tên lửa Iskander đến Kaliningrad, phần lãnh thổ tách biệt của Nga giáp với Ba Lan và Lithuania, đồng thời tăng cường lực lượng tại quốc gia từng thuộc Liên Xô, Belarus.
"Chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện các bước đáp trả để củng cố sức mạnh tại biên giới phía tây", Yakubov nói.
Lầu Năm Góc hôm qua cho biết quân đội Mỹ đang trong quá trình quyết định nơi đặt số thiết bị quân sự tương đương một tiểu đoàn ở đông Âu. Quyết định này là một phần trong nỗ lực lâu dài để duy trì trang thiết bị cho một lữ đoàn trong khu vực, tạo điều kiện cho Mỹ huấn luyện luân phiên với các đồng minh NATO.
Mỹ đang cân nhắc việc đặt số thiết bị đủ cho 150 binh sĩ tại mỗi quốc gia Baltic, gồm Lithuania, Latvia và Estonia, sát biên giới Nga. Thiết bị đủ cho khoảng 750 binh sĩ cũng sẽ được đặt tại Ba Lan, Romania, Bulgaria và có thể là Hungary. Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Âu, cho biết các thiết bị có thể gồm xe tăng 160 M-1 cùng xe chiến đấu M-2 Bradley và pháo tự hành.
Với dự định này, nếu biên giới phía đông của NATO bị tấn công, Mỹ có thể nhanh chóng điều lính và thiết bị đến thay vì mất vài tuần hoặc vài tháng vận chuyển bằng đường bộ.
Phương Vũ