Mỹ dự kiến triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, SM-6 và tên lửa siêu vượt âm theo từng đợt tới Đức từ năm 2026, Washington và Berlin cho biết trong tuyên bố chung ngày 10/7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Động thái ban đầu mang tính tạm thời, nhưng hướng đến bố trí các vũ khí này lâu dài, nằm trong cam kết của Mỹ với an ninh của NATO và châu Âu.
"Chúng tôi sẽ có phản ứng quân sự đáp trả mối đe dọa mới này một cách bình tĩnh, với cái đầu lạnh", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói hôm nay, thêm rằng NATO và Washington đang tìm cách đe dọa Moskva. "Đây chỉ là một mắt xích trong chuỗi leo thang".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết động thái "một lần nữa thể hiện rõ bản chất đối đầu của NATO".
"Chúng tôi thấy hạ tầng quân sự NATO liên tục thay đổi vị trí, hướng về phía biên giới Nga", ông Peskov bổ sung. Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, tình trạng này buộc Nga phải phân tích kỹ lưỡng những quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp.
Các tên lửa mặt đất Mỹ muốn đưa đến Đức đều bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1988 giữa Mỹ với Liên Xô. INF cấm các bên triển khai khí tài có tầm bắn 500-5.000 km. Mỹ năm 2019 rút khỏi INF, cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Điện Kremlin bác bỏ. Moskva sau đó cũng có động thái tương tự.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6 cho rằng Nga nên nối lại sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, rồi cân nhắc vị trí triển khai, sau khi Mỹ đưa những khí tài tương tự đến Đan Mạch và Philippines để diễn tập.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)