Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang Nga, tức Hạ viện và Thượng viện, hôm nay nhất trí ngừng tham gia hội đồng nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như ngừng đóng góp ngân sách cho cơ quan này. Các nghị sĩ Nga coi quyết định này là "hợp lý và chính đáng".
Nga nhấn mạnh hội đồng nghị viện OSCE và các thành viên đã phớt lờ những lời kêu gọi của Moskva để quay lại đối thoại một cách bình đẳng, đồng thời cáo buộc cơ quan này được sử dụng như "công cụ chính trị để cố tình chống Nga, bóp méo thực tế ở Ukraine".
Hội đồng nghị viện OSCE có "cách tiếp cận định kiến, phân biệt đối xử, tiêu chuẩn kép, bài Nga, không muốn tham gia các cuộc thảo luận thực chất", theo Hội đồng Liên bang Nga.
Họ cho biết phái đoàn Nga tại hội đồng nghị viện OSCE "nhiều lần bị tước cơ hội đối thoại và tham gia đầy đủ, bình đẳng" vào công việc chung. Tuyên bố của quốc hội Nga nhấn mạnh việc Romania từ chối cấp thị thực cho thành viên phái đoàn Nga tham gia phiên họp thường niên của hội đồng tại Bucharest năm nay là "giọt nước tràn ly", cho thấy "xu hướng đối đầu" của cơ quan này.
Nga cho biết trong thời gian nước này đình chỉ tham gia hội đồng nghị viện OSCE, bất kỳ hành động nào nhằm sửa đổi quy tắc của hội đồng để gây bất lợi cho phái đoàn Nga sẽ bị coi là "không có hiệu lực về mặt pháp lý".
Hội đồng nghị viện OSCE không phải là cơ quan ra quyết định, nhưng có vai trò thúc đẩy đối thoại giữa cơ quan lập pháp của những nước thành viên. OSCE có 57 thành viên từ các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Ukraine trước đó kêu gọi cơ quan này khai trừ Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại hội nghị ngoại trưởng OSCE ở Bắc Macedonia hồi tháng 11/2023 cho rằng OSCE "trên bờ vực sụp đổ", cáo buộc phương Tây đang phá hoại mọi cơ hội hồi sinh diễn đàn này.
Thùy Lâm (Theo AFP, TASS)