Xe quân sự Nga tại Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Ảnh: AFP. |
Ông Lavrov khẳng định, Nga đã trở lại vũ đài chính trị thế giới như một quốc gia có trách nhiệm, có thể bảo vệ được các công dân nước mình. Bình luận về chính quyền của tổng thống đương nhiệm tại Gruzia Mikhail Saakashvili, ngoại trưởng Nga nói: "Để bảo vệ khu vực không trở lại tình trạng bạo lực, Nga sẽ tiếp tục có những biện pháp trừng phạt kẻ phạm tội, để chế độ này không bao giờ có thể làm điều xấu được nữa".
"Nếu thay vì chọn các lợi ích của quốc gia mình và lợi ích của nhân dân Gruzia, Mỹ và các đồng minh lại đi chọn chế độ Saakashvili thì điều đó sẽ là một sai lầm mang tính lịch sử thực sự", ông Lavrov nói thêm. Quan điểm này được cho là ý muốn rõ ràng của Matxcơva về việc tổng thống đương nhiệm Gruzia phải ra đi.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của EU, nhóm họp để bàn về cuộc khủng hoảng Gruzia và thái độ với Nga sau khi nước này công nhận độc lập hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Ông bình luận thêm: "Cuộc họp thượng đỉnh EU hôm nay sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Chúng tôi hy vọng sự lựa chọn của họ sẽ dựa trên những lợi ích cơ bản của châu Âu".
Dự kiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ lên án việc Matxcơva công nhận độc lập của hai vùng ly khai tại Gruzia. Trong khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua nhắc lại rằng, quyết định công nhận này là điều không thể thay đổi, bất chấp sức ép gay gắt từ phương Tây.
5 điểm chính trong chính sách đối ngoại của Nga
1. Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế luôn được đặt lên hàng đầu.2. Thế giới phải đa cực vì đơn cực là không thể chấp nhận
3. Nga không tìm cách đối đầu với các nước khác
4. Nga sẽ bảo vệ sinh mạng các công dân nước mình cho dù họ ở bất cứ đâu
5. Nga sẽ phát triển mối quan hệ với các khu vực thân thiệnTổng thống Medvedev cũng nhấn mạnh đến 5 điểm của chính sách đối ngoại của nước Nga trong tương lai, trong đó tuyên bố thế giới phải đa cực vì việc một quốc gia thống trị các vấn đề toàn cầu là không thể chấp nhận. Ông cũng cam kết sẽ bảo vệ mạng sống và phẩm giá của công dân Nga cho dù họ sống ở bất cứ đâu.
Trong khi đó, EU dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố cứng rắn với Nga liên quan đến Gruzia trong hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay. Tuy nhiên, EU không có nhiều khả năng sẽ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga, dù trước đó đã có những cuộc bàn thảo về vấn đề này. Người Gruzia dự tính sẽ xuống đường biểu tình ở Tbilisi và các thủ đô khác ở châu Âu phản đối Nga, đúng vào thời điểm EU họp thượng đỉnh bất thường tại Brussels, Bỉ.
Cả 27 nước thành viên EU đều đoàn kết trong việc chỉ trích hành động quân sự của Nga tại Gruzia cũng như công nhận hai vùng ly khai. Nhưng họ bị chia rẽ trong việc thực thi các biện pháp đáp trả Matxcơva. Do đó lời kêu gọi thay đổi căn bản quan hệ với Matxcơva khó có thể trở thành hiện thực. Nguyên nhân vì nhiều nước châu Âu không muốn làm mất lòng Nga, một đối tác thương mại quan trọng và nhà cung cấp năng lượng chính của họ.
Cuộc họp thượng đỉnh của EU diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi xem xét lại tận gốc rễ mối quan hệ giữa EU với Nga. Ba Lan cũng chung quan điểm kêu gọi phải trừng phạt Nga. Nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lại cảnh báo châu Âu sẽ tự làm tổn thương mình đóng chặt mọi cánh cửa với Matxcơva. Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cũng có quan điểm tránh căng thẳng với Nga, nhằm ngăn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia kéo dài trong 4 ngày, mở màn hôm 7/8 khi quân đội Gruzia bất ngờ đánh úp nhằm giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia. Nga lập tức phản công và nhanh chóng đánh bật quân Gruzia ra khỏi Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Sau đó Nga đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia, kiểm soát các thành phố và bến cảng chiến lược của nước này như Gori và Poti.
Cuộc chiến Nga - Gruzia |
Đêm 7/8: Gruzia khai mào cuộc chiến khi bất ngờ tấn công tổng lực nhằm tái chiếm Nam Ossetia. |
Đình Chính (theo BBC, AP)