Quân Nga đang pháo kích một vị trí của quân Gruzia tại Nam Ossetia. Ảnh: Reuters. |
Gruzia khẳng định động thái trên không phải là một sự thất bại về quân sự, nhưng đây là bước đi cần thiết để bảo vệ thường dân. Chủ tịch Hội đồng an ninh Gruzia Alexander Lomaia cho biết thêm, binh sĩ nước này được di chuyển tới các vị trí mới bên ngoài Nam Ossetia. "Hiện họ đã hoàn toàn ở ngoài khu vực này", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nga xác nhận Gruzia đang trong quá trình rút quân nhưng vẫn chưa rút hết khỏi Nam Ossetia. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nói thẳng: "Chúng tôi cần kiểm tra lại tuyên bố rút quân. Chúng tôi không tin phía Gruzia". Matxcơva vốn coi việc Tbilisi lui binh là điều kiện tiên quyết để đàm phán ngưng bắn.
Những người đi sơ tán cho biết, giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô Tskhinvali, còn bên trong thành phố đã tương đối yên tĩnh và đang được quân Nga kiểm soát. Việc đẩy lui quân Gruzia khỏi Tskhinvali được thực hiện sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thông báo, các binh sĩ Nga mở màn một chiến dịch quân sự nhằm buộc Gruzia phải chấp nhận hoà bình. Tham gia chiến dịch chớp nhoáng tại đây có lực lượng tăng thiết giáp và những đơn vị lính dù tinh nhuệ.
Trong khi đó, các tàu chiến Nga đang được triển khai gần các cảng của Gruzia tại Biển Đen, nhằm ngăn cản việc vận chuyển vũ khí và thiết bị quân sự bằng đường biển. Gruzia cũng cáo buộc các máy bay Nga đã ném ba quả bom xuống một sân bay quân sự gần thủ đô Tbilisi, nhưng chưa có nguồn tin độc lập để kiểm chứng thông tin này.
Hôm 9/8, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, sau khi máy bay Nga oanh tạc thành phố Gori, cách thủ đô Tbilisi khoảng 80 km. Mục tiêu của không quân Nga là 3 căn cứ quân sự, nơi Gruzia hội quân để tái chiếm vùng Nam Ossetia cách đó 25 km. Các tướng lĩnh Nga phủ nhận việc các máy bay của họ đánh trúng những mục tiêu dân sự tại Gori. Cùng ngày, quốc hội Gruzia phê chuẩn ban bố tình trạng chiến tranh trên cả nước trong 15 ngày.
Hiện vẫn còn mâu thuẫn xung quanh con số thương vong của cả hai bên trong hơn 3 ngày giao tranh vừa qua và chúng đều chưa được nguồn tin độc lập nào xác nhận. Nga ước tính số người chết tại Nam Ossetia là hơn 1.500 người, chủ yếu là thường dân. Phía Gruzia cho biết số người chết của họ là từ 82 đến 130 người, gồm 37 thường dân.
Một người Gruzia khóc thương thân nhân thiệt mạng trong vụ thành phố Gori, cách Tbilisi 80 km bị oang tạc hôm 9/8. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Bush đã kêu gọi các bên chấm dứt xung đột tại Nam Ossetia và cảnh báo, các cuộc tấn công trên đất Gruzia là “sự leo thang nguy hiểm” của cuộc khủng hoảng. Đáp lại lời ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong cuộc điện đàm hôm qua nhấn mạnh, cách duy nhất để giải quyết “cuộc khủng hoảng bi thảm” hiện nay là Gruzia phải rút quân khỏi Nam Ossetia.
Một phái đoàn hỗn hợp của Mỹ, EU và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đang lên đường đến Gruzia với hy vọng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn. Sự kiện này diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp phiên khẩn cấp thứ ba, nhưng vẫn chưa thể thông qua tuyên bố chính thức về tình hình Nam Ossetia.
Chiến tranh bùng nổ đêm 7/8 vừa qua, khi quân đội Gruzia bất ngờ tấn công tổng lực bằng bộ binh, pháo hạng nặng và không quân nhằm tái chiếm Nam Ossetia. Chiến sự sau đó diễn ra ác liệt nhất tại các vị trí xung quanh thủ phủ Tskhinvali. Chỉ vài giờ sau, Matxcơva quyết định động binh khi nhận tin có hơn 10 binh sĩ gìn giữ hoà bình Nga tại Tskhinvali thiệt mạng trong chiến dịch của Gruzia.
Ossetia nằm bên dãy núi Kavkaz thuộc phía bắc Gruzia và phía nam nước Nga và được chia thành hai phần. Trong đó Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Gruzia luôn kiên quyết coi Nam Ossetia là một phần lãnh thổ của mình. Matxcơva không công nhận chính quyền tự xưng tại đây, nhưng cấp quy chế quốc tịch cho hầu hết dân số tại Nam Ossetia. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng rúp của Nga trong tiêu dùng.
Quân Nga có mặt tại Nam Ossetia trên cơ sở thỏa thuận chấm dứt xung đột tại đây năm 1992. Theo đó Nga, Gruzia và Bắc Ossetia cử mỗi bên 500 quân tham gia nhóm phối hợp gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia. Do đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin khẳng định, nước này có nghĩa vụ pháp lý để hành động như một lực lượng bảo vệ nếu một bên tại Nam Ossetia vi phạm hoà ước.
“Nhìn từ quan điểm pháp lý, hành động quân sự của Nga ở Nam Ossetia là hoàn toàn hợp pháp và cần thiết. Chúng tôi kêu gọi Gruzia chấm dứt ngay lập tức cuộc xâm lược Nam Ossetia, ngừng mọi vi phạm các thoả thuận về ngừng bắn, đồng thời tôn trọng quyền pháp lý và lợi ích của người khác”, ông Putin tuyên bố hôm qua từ Vladkavkaz, thủ phủ Bắc Ossetia.
Bản đồ chiến sự tại Nam Ossetia. Ảnh: AFP. |
Đình Chính (theo BBC, AP, Reuters)