"Tôi muốn lưu ý rằng nhà ngoại giao đầu tiên do chính quyền Afghanistan mới cử đến Nga, người tới Moskva vào tháng trước, đã được Bộ Ngoại giao Nga công nhận", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói ngày 31/3 tại hội nghị cấp bộ trưởng được tổ chức ở Đồn Khê, Trung Quốc giữa các nước láng giềng của Afghanistan, nhằm thảo luận về tương lai của quốc gia này.
Ông Lavrov cho biết chính quyền mới ở Afghanistan đang nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao. "Các quan chức của chính phủ Taliban thường xuyên gặp gỡ các đối tác nước ngoài theo hình thức song phương hoặc đa phương ở Moskva, Tehran, Doha, Oslo, Antalya và mới bổ sung thêm Đồn Khê", Ngoại trưởng Lavrov nói. "Các cuộc tiếp xúc này thúc đẩy quốc tế công nhận chính quyền mới ở Afghanistan".
Cuộc họp tại Đồn Khê do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì có sự tham gia của Ngoại trưởng Afghanistan lâm thời Khan Muttaqi cùng các quan chức ngoại giao từ Pakistan, Iran, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Indonesia và Qatar.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga "không thể chấp nhận" bất cứ hiện diện quân sự nào của Mỹ hoặc NATO tại các quốc gia giáp biên với Afghanistan. Ông cũng bày tỏ lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có kế hoạch gây bất ổn khu vực Trung Á.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 30/3 gặp riêng người đồng cấp từ Nga, Pakistan và Qatar. Nội dung chi tiết của cuộc gặp chưa được công bố.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố kết thúc hoạt động quân sự kéo dài 20 năm tại Afghanistan, Taliban đẩy mạnh chiến dịch giành quyền kiểm soát lãnh thổ quốc gia Trung Á. Taliban ngày 15/8/2021 tiến vào thủ đô Kabul và tiếp quản quyền lực mà không vấp phải sự kháng cự nào.
Cựu tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời khỏi đất nước và cho biết ông từ chức để ngăn đổ máu. Taliban ngày 6/9/2021 tuyên bố nắm quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan và công bố chính phủ lâm thời mới vài ngày sau đó. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào trên thế giới công nhận chính phủ do Taliban thành lập.
Nguyễn Tiến (Theo TRT, TASS)