"Video ghi lại cảnh tiêm kích Nga phát hiện và phá hủy xuồng cao tốc Sea Force do Mỹ sản xuất, chở theo một toán đổ bộ của lực lượng vũ trang Ukraine trên Biển Đen, gần Đảo Rắn", Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/8 cho biết. "Mục tiêu trên mặt nước cố gắng cơ động để né hỏa lực từ tiêm kích, song thất bại và bị trúng đạn".
Video được Bộ Quốc phòng Nga công bố gồm hai phần, một do máy bay không người lái (UAV) ghi lại và một quay từ buồng lái của tiêm kích, cho thấy chiếc xuồng nhiều lần ngoặt gấp trên biển dưới làn đạn pháo. Tuy nhiên, chiếc xuồng sau đó trúng đạn và phát nổ trên biển.
Bộ Quốc phòng Nga chưa công bố chủng loại xuồng cao tốc Sea Force bị hạ gần Đảo Rắn và mẫu tiêm kích tham chiến, trong khi các blogger quân sự Nga cho rằng máy bay là mẫu MiG-29K của hải quân Nga. Quân đội Ukraine với tài trợ từ Mỹ năm 2013 mua 5 xuồng cao tốc Sea Force do công ty Willard Marine chế tạo. Dòng Sea Force có nhiều biến thể với kích thước khác nhau, có thể chở 6-26 binh sĩ.
Trong khi đó, phát ngôn viên hải quân Ukraine bác bỏ thông tin trên của Nga. "Hải quân Ukraine không ghi nhận bất cứ sự cố nào như vậy, cũng như không chịu tổn thất về nhân lực", người này cho biết. "Do đó chúng tôi không có gì để bình luận trong trường hợp này".
Đảo Rắn, còn gọi là đảo Zmiinyi, có diện tích khoảng 17 hecta. Hòn đảo nằm cách thành phố cảng Odessa khoảng 35 km và không có tài nguyên thiên nhiên hay căn cứ quân sự thường trực, song đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát các tuyến vận tải trên Biển Đen và là một trong những thực thể phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Ukraine và Romania.
Nga kiểm soát Đảo Rắn vài ngày sau khi chiến sự với Ukraine bùng phát, song rút quân đồn trú tại đây hồi tháng 6/2022 sau khi "hoàn thành nhiệm vụ" và gọi đây là "cử chỉ thiện chí" để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố các vụ tập kích nhằm vào Đảo Rắn khiến Nga phải rút quân khỏi đây.
Biên phòng Ukraine ngày 12/8 thông báo các binh sĩ của họ tới Đảo Rắn để dựng cột mốc chủ quyền mới. Một binh sĩ Ukraine tuyên bố cột mốc tiếp theo sẽ được cắm ở Crimea sau khi quân đội nước này giành lại bán đảo mà Nga sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, CNN)