Kênh Telegram Sibirskoye Obyedineniye của Nga ngày 18/8 công bố video ghi cảnh phương tiện bay không người lái (drone) có tên Hoàng tử Vandal xứ Novgorod (KVN) "tấn công phương tiện mà binh sĩ Ukraine sử dụng tại tỉnh Kursk".
Trong video, hình ảnh được drone KVN truyền về vẫn rõ nét ngay cả khi phương tiện hạ độ cao để lao vào mục tiêu. Đây là điều rất bất thường, bởi các loại drone điều khiển bằng sóng vô tuyến thường mất kết nối trong pha này, khiến hình ảnh bị nhiễu, nhòe hoặc mất hoàn toàn.
Theo kênh Sibirskoye Obyedineniye, drone KVN có thể làm được điều đó nhờ được điều khiển bằng cáp quang, đảm bảo độ chính xác cao và chống lại hệ thống tác chiến điện tử đối phương.
"Về cơ bản, mẫu drone giống như một tên lửa chống tăng dẫn đường sử dụng động cơ điện thay vì động cơ phản lực, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất", Sibirskoye Obyedineniye cho biết.
Các loại tên lửa chống tăng phổ biến cũng sử dụng cáp quang để dẫn đường, giúp xạ thủ hiệu chỉnh đường ngắm và thay đổi hướng bay của quả đạn để đảm bảo trúng đích.
Samuel Bennett, chuyên gia về drone tại Viện Nghiên cứu Hàng hải (CNA) có trụ sở tại Mỹ, nhận định cáp quang giúp duy trì kết nối ổn định giữa phương tiện và người điều khiển, giúp drone không bị ảnh hưởng từ thiết bị gây nhiễu. Ngoài chống nhiễu, cáp quang còn cho phép drone truyền về hình ảnh chất lượng cao cả ở pha cuối.
Drone cáp quang có thể hữu ích trong một số tình huống cụ thể, đặc biệt trong môi trường nhiễu sóng vô tuyến mạnh. Phương tiện này có thể bổ sung năng lực cho các loại drone sử dụng sóng vô tuyến.
Tuy nhiên, việc gắn cáp quang có thể hạn chế khả năng cơ động của drone, khiến chúng chỉ thực hiện được một số loại nhiệm vụ cụ thể ở địa hình nhất định để tránh dây cáp bị rối hoặc mắc vào vật cản.
Ngoài ra, phạm vi hoạt động của drone cáp quang cũng bị giới hạn bởi chiều dài của đoạn dây mà phương tiện mang theo.
Việc Nga sử dụng drone cáp quang được nhận định cho thấy thay đổi mới trong cách họ dùng phương tiện này trên chiến trường. Cả Nga và Ukraine đều tham gia cuộc chạy đua phát triển drone, điều chỉnh hệ thống để vô hiệu hóa phương án chống đỡ của đối phương, thậm chí sao chép của nhau để giành lợi thế hoặc duy trì thế cân bằng.
Trước Nga, một số nước đã phát triển drone gắn cáp quang, nhưng mẫu phương tiện này chưa được sử dụng phổ biến trên chiến trường. Hiện chưa rõ Nga có đưa vào sản xuất hàng loạt loại vũ khí mới này hay không.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AP, AFP)