Hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom hôm 1/6 cho biết xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước ngoài Liên Xô cũ giảm gần 28% trong 5 tháng đầu năm. Đến nay, Gazprom đã cắt giảm ít nhất 20 tỷ m3 khí đốt hàng năm cho 6 nước châu Âu - Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Hà Lan - vì không thanh toán bằng ruble.
Đây là yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. Con số này tương đương gần 13% tổng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nga hiện tại có thể chưa cảm nhận được tác động từ việc này. Dù EU là khách mua khí đốt chính của Nga, việc giá dầu thô và khí đốt tăng vọt gần đây vẫn giúp nguồn thu của Nga tăng lên.
James Huckstepp - Giám đốc phụ trách phân tích khí đốt tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc S&P Global Commodity Insights - cho biết giá khí đốt năm nay tăng mạnh, lên trung bình 96 euro (102 USD) một megawatt giờ. Theo Guardian, con số này năm ngoái chỉ quanh 20 euro. Vì thế, "nguồn thu của Nga không thể giảm mạnh trừ khi họ cắt giảm thêm nữa", ông nói.
Tuy nhiên, khi châu Âu ngày càng xa lánh khí đốt Nga, Moskva sẽ phải tìm khách hàng thay thế, như với dầu thô. Việc này sẽ khó khăn hơn, vì khí đốt chủ yếu được vận chuyển bằng đường ống. Và cơ sở hạ tầng cho việc này sẽ phải mất nhiều năm mới xây dựng xong.
Gazprom đã đưa ra giải pháp cho khách hàng sau yêu cầu thanh toán của ông Putin. Theo đó, họ có thể trả bằng euro hoặc USD vào tài khoản ở Gazprombank. Số tiền này sau đó sẽ được đổi thành ruble và chuyển vào tài khoản khác để thanh toán cho Nga.
Nhiều khách hàng lớn đã làm theo cách này để duy trì nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, một số khác từ chối. Hôm 31/5, Shell Energy thông báo "không đồng ý với điều khoản thanh toán mới", khiến Gazprom cắt nguồn cung khí đốt mà Shell đang bán cho khách hàng Đức. Tương tự, GasTerra (Hà Lan) một ngày trước đó thông báo sẽ không làm theo "đòi hỏi thanh toán một chiều" từ Gazprom.
EU đang đẩy nhanh việc giảm phụ thuộc vào Moskva. Họ tăng tốc nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và cam kết giảm tiêu thụ khí đốt Nga thêm 66% trước cuối năm nay.
Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga để sưởi ấm nhà và vận hành các ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, họ cũng đã giảm tỷ lệ khí đốt Nga trong cơ cấu nhập khẩu từ 55% xuống 35% kể từ khi xung đột nổ ra.
Hà Thu (theo CNN)