Trong cuộc điện đàm ngày 19/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "lưu ý tầm quan trọng của việc cử phái đoàn thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới nhà máy điện hạt nhân càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình thực thế tại chỗ", Điện Kremlin thông báo.
Điện Kremlin cũng cho biết "Nga sẵn sàng cung cấp cho các thanh sát viên IAEA hỗ trợ cần thiết", đồng thời cho biết ông Putin "đặc biệt nhấn mạnh rằng các vụ pháo kích có hệ thống của Ukraine nhằm vào nhà máy Zaporozhye tạo ra nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân quy mô lớn".
Zaporozhye là cách Nga gọi địa danh Zaporizhzhia của Ukraine.
Điện Elysee sau đó cùng ngày cho biết ông Putin đồng ý cử nhóm thanh sát viên độc lập tới nhà máy Zaporizhzhia của Ukraine, nơi lực lượng Nga đang kiểm soát. Tổng thống Macron "ủng hộ cử phái đoàn gồm các chuyên gia từ IAEA tới cơ sở này theo các điều kiện đã được Ukraine và Liên Hợp Quốc đồng ý".
Tổng thống Putin "ngừng yêu cầu nhóm thanh sát viên IAEA đi qua lãnh thổ Nga để tới nhà máy Zaporizhzhia" và cho biết họ có thể đến địa điểm này qua ngả Ukraine, theo thông cáo của Điện Elysee.
Ông Putin và ông Macron sẽ hội đàm lần nữa "trong những ngày tới vấn đề này sau khi trao đổi với các nhóm kỹ thuật và trước khi phái đoàn IAEA đươc triển khai".
Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi bày tỏ hoan nghênh "các tuyên bố gần đây cho thấy cả Ukraine và Nga đều ủng hộ mục tiêu của IAEA là cử một phái đoàn" tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các lực lượng của Nga đang kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia không ngắt kết nối cơ sở này khỏi lưới điện, động thái có thể cắt nguồn cung điện cho hàng triệu người Ukraine.
Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.
Nga và Ukraine gần đây liên tục cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Các cuộc giao tranh quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân có thể so sánh với thảm họa Chernobyl năm 1986. Tổng thư ký Guterres hồi đầu tuần cảnh báo bất cứ hành vi gây thiệt hại nào đối với nhà máy Zaporizhzhia đều là "tự sát".
Ngọc Ánh (Theo AFP, TASS)