Khu trục hạm USS Cole của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin phát biểu: "Chúng tôi thấy về cơ bản tất cả các lực lượng chính trị Libăng, gồm chính phủ của Thủ tướng Fuad Saniora, đều bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ triển khai tàu chiến. Vì vậy chúng tôi không thấy đó là sự đóng góp tích cực đối với tình hình ở Libăng".
Trong khi đó, đại sứ Mỹ Zalmay Khalilzad thì phản bác, sự có mặt của các khu trục hạm Mỹ không hề gây hại gì đến nỗ lực của người Libăng trong việc tháo gỡ khủng hoảng chính trị. "Chúng tôi đôi khi có lực lượng vũ trang tại Địa Trung Hải và khu vực, để bảo vệ cho những lợi ích của chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Chính phủ thân phương Tây của ông Saniora và phe đối lập do nhóm chiến binh Hezbollah lãnh đạo ở Libăng lâm vào bế tắc do tranh giành quyền lực suốt 15 tháng qua, trong đó Hezbollah và đồng minh đang nỗ lực gạt bỏ chính quyền của Thủ tướng Saniora. Sự bất đồng kéo dài này khiến Libăng không thể bầu được tổng thống mới suốt từ tháng 11/2007 đến nay.
Cuối tháng 2 vừa qua, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Cole từ đảo Malta tới Libăng. Đây là tàu từng bị các chiến binh đánh bom tự sát của Al-Qaeda tấn công khi neo tại cảng Aden của Yemen, tháng 10/2000. Vụ này làm 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng, còn chiến hạm thì bị hư hại nặng nề.
Động thái trên được coi như lời cảnh báo của Mỹ đối với Syria, nước đang cùng Iran hậu thuẫn phe đối lập ở Libăng.
Đình Chính (theo AP, Reuters)