"Ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng các đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại và kinh tế quốc tế", phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 2/12, khi được hỏi về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 100% với các thành viên BRICS, nếu khối tìm cách "thay thế đồng USD".
Theo ông Peskov, nếu Mỹ dùng "sức mạnh kinh tế" để buộc các nước dùng đồng USD, điều đó sẽ phản tác dụng. "Điều đó càng thúc đẩy các nước sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế", phát ngôn viên Điện Kremlin nói, thêm rằng đồng USD "đang dần mất đi sức hấp dẫn như một loại ngoại tệ dự trữ đối với một số quốc gia".
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới, với các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Ở hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đang vũ khí hóa USD. Ông lý giải lập trường của Nga là "không chối bỏ USD", nhưng buộc phải tìm giải pháp thay thế do Mỹ ngăn cản Nga sử dụng đồng USD trong thương mại quốc tế, ám chỉ các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan chiến sự Ukraine.
Ông Trump nhấn mạnh BRICS "không đời nào đủ sức thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế". Ông cảnh báo rằng không chỉ nhóm các nền kinh tế mới nổi, bất kỳ nước nào muốn thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế đều sẽ đánh mất cơ hội làm ăn với Mỹ.
Theo Reuters, vai trò của đồng USD thực tế đã được củng cố trong thời gian gần đây, do vị thế mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Nghiên cứu trong năm nay của Trung tâm Địa - Kinh tế thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương cho thấy đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, ngay cả đồng euro hay các nước BRICS đều không thể giảm phụ thuộc toàn cầu vào đồng USD.
Ngọc Ánh (Theo Reuters, TASS, AP)