"Mọi hành động theo cách tiếp cận thầm lặng, thiết thực có thể đóng góp cho nỗ lực bình thường hóa các mối quan hệ, ổn định tình hình biên giới đều đáng được hoan nghênh. Liệu những hành động và tuyên bố lớn tiếng đó có giúp bình thường hóa tình hình? Hãy chờ xem", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo giới ngày 19/9.
Ông Peskov đưa ra bình luận sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 17/9 tới Armenia, bắt đầu chuyến thăm ba ngày. Armenia và Azerbaijan xảy ra đụng độ ở biên giới, khiến 215 người thiệt mạng ngày 13/9. Hai nước cáo buộc lẫn nhau là bên châm ngòi xung đột.
Bà Pelosi mô tả chuyến thăm là "biểu tượng mạnh mẽ cho cam kết vững chắc của Mỹ về một Armenia hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, cùng một vùng Kavkaz an ninh, ổn định". Bà là quan chức Mỹ cấp cao nhất tới Armenia kể từ khi quốc gia này tách khỏi Liên Xô năm 1991.
Ngày 18/9, bà Pelosi lên án cái gọi là cuộc tấn công "phi pháp" của Azerbaijan vào lãnh thổ Armenia. Chủ tịch quốc hội Armenia Alen Simonyan cảm ơn Mỹ "đã đưa ra đánh giá với các hành động chiến tranh của Azerbaijan".
"Những cáo buộc vô căn cứ và không công bằng của bà Pelosi nhằm vào Azerbaijan là không thể chấp nhận được. Bà Pelosi được biết đến là một chính trị gia ủng hộ Armenia. Đây là đòn giáng nặng nề vào các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan", Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra tuyên bố phản đối.
Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay ngày 19/9 cho rằng bà Pelosi đã đưa ra những tuyên bố "thiên vị", "phá hoại các nỗ lực ngoại giao" và không thể chấp nhận được. Ông Oktay kêu gọi Mỹ cần làm rõ phát biểu của bà Pelosi có phản ánh quan điểm chính thức của Washington hay không.
Mỹ đang tăng cường quan hệ với Armenia, vốn là đồng minh lâu đời của Nga. Nga có quan hệ mật thiết với cả Armenia và Azerbaijan, có nghĩa vụ can thiệp nếu Armenia bị tấn công, theo một hiệp ước an ninh.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.
Cuộc chiến 6 tuần vào mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian. Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để bảo vệ phần lãnh thổ còn lại phe ly khai đang kiểm soát ở Nagorno-Karabakh.
Trong quá trình đàm phán được Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian tại Bỉ hồi tháng 4 và 5, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhất trí "thúc đẩy thảo luận" hướng đến một hiệp ước hòa bình trong tương lai.
Giới phân tích nhận định xung đột gần đây đã xóa bỏ gần như toàn bộ các nỗ lực của phương Tây nhằm đưa Yerevan và Baku đến gần một hiệp ước hòa bình.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)