"Nếu không có áp lực của Mỹ với những người mà họ cài cắm trong giới lãnh đạo Ukraine, tình hình có lẽ đã không như vậy. Ngay cả các lãnh đạo Ukraine cũng đã sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình và trao cho Nga dự thảo mà chúng tôi đã chấp thuận về mặt nguyên tắc", ông Patrushev nói hôm nay, dường như đề cập tới các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 năm ngoái.
Ông Patrushev thêm rằng trong cuộc đàm phán, các thành viên phái đoàn Ukraine vào buổi sáng đưa cho phía Nga bản đề xuất hòa bình, nhưng đến tối tuyên bố từ bỏ chúng.
"Điều này chỉ xảy ra khi Mỹ gây áp lực với họ và nói rằng không cần tổ chức các cuộc đàm phán", thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga nhấn mạnh, thêm rằng "có nhiều bên hưởng lợi từ cuộc xung đột này, trong đó có Mỹ, Anh".
Ukraine cùng Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa bình luận về tuyên bố này của ông Patrushev.
Sau khi xung đột nổ ra cuối tháng 2/2022, Nga và Ukraine tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên ở Belarus vào đầu tháng 3 năm ngoái, nhưng không mang lại kết quả rõ ràng.
Vòng đàm phán mới sau đó được tổ chức ở Istanbul vào ngày 29/3/2022. Trưởng phái đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky thông báo rằng Moskva đã lần đầu nhận được các đề xuất bằng văn bản của Kiev về một thỏa thuận hòa bình.
Nga cho biết trong dự thảo thỏa thuận này, Ukraine đã đưa ra các cam kết về tình trạng trung lập, không liên minh, từ chối cho phép nước ngoài triển khai quân đội và vũ khí, gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được ký tại Istanbul và các cuộc đàm phán về giải pháp hòa bình cho xung đột đã hoàn toàn đóng băng sau đó. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Putin.
Sau gần 16 tháng, xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Quân đội Ukraine được cho đang tiến hành chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga kiểm soát.
Thanh Tâm (Theo TASS, AFP)