Phát biểu sau cuộc họp đầu tiên trong hai năm giữa phái viên NATO và Nga, đại sứ của Moscow tại NATO cho biết sự cố hàng hải ngày 11/4 cho thấy không thể cải thiện quan hệ cho đến khi liên minh do Mỹ dẫn đầu rút quân khỏi gần biên giới Nga.
"Việc này nhằm gây áp lực quân sự với Nga", Reuters dẫn lời phái viên Nga Alexander Grushko, cho biết. "Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp và đề phòng cần thiết để đối phó với những nỗ lực sử dụng vũ lực quân sự này", ông nói.
Ông Grushko nói rằng máy bay Nga lượn sát tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Donald Cook ở biển Baltic tuần trước vì tàu đã di chuyển ở gần Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga.
Mối lo ngại chính của Nga là NATO đang thực hiện hiện đại hóa lực lượng lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, có thể bao gồm gia tăng hiện diện quân sự ở Đông Âu với lực lượng luân phiên, đa quốc gia tại Ba Lan và vùng Baltic.
NATO thì nói rằng kế hoạch là phản ứng tương xứng trước việc Nga sáp nhập Crimea và nhấn mạnh rằng liên minh không có lực lượng tại Đông Âu trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ba Lan và các thành viên NATO khác trong vùng Baltic lo lắng về sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, nơi Nga bố trí tên lửa đất đối không tầm xa.
Trong cuộc họp, phái viên NATO cũng bày tỏ lo ngại về những cuộc diễn tập bất ngờ của Nga, khi hàng ngìn binh lính Nga tập trận mà không báo trước. "Đây rõ ràng là gây bất ổn", một nhà ngoại giao NATO nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các thành viên NATO bác bỏ cách ông Grushko gọi khủng hoảng Ukraine là nội chiến. "Cuộc họp tái khẳng định rằng chúng tôi bất đồng ý kiến về các sự kiện, cách mô tả và trách nhiệm trong và xung quanh Ukraine", tổng thư ký NATO cho biết sau cuộc họp.
"Nhiều đồng minh không đồng ý khi Nga cố gắng miêu tả đây là cuộc nội chiến", ông nói. NATO cáo buộc Nga gây bất ổn ở phía đông Ukraine, cung cấp hỗ trợ cho phe ly khai. Trong khi đó, Nga bác bỏ có bất kỳ sự tham gia trực tiếp nào ở đông Ukraine.
"Vì vậy, đã có những bất đồng sâu sắc", ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký nhấn mạnh hai bên cần đối thoại với nhau nhiều hơn và sử dụng quy tắc hiện có để giảm nguy cơ quân sự. Ông đề xuất sửa đổi một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh được gọi là tài liệu Vienna, trong đó đặt ra quy tắc cho các bài diễn tập quy mô lớn và hoạt động quân sự khác, cũng như đường dây nóng và các kênh thông tin liên lạc quân sự khác.
"Chúng tôi phải sử dụng các đường dây liên lạc", ông nói.
Phương Vũ