"Những động thái như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn ngày càng tăng và thêm gánh nặng chi phí đối với người tiêu dùng", đại sứ quán Nga tại Mỹ đăng trên Telegram ngày 3/12, chỉ trích động thái áp trần giá dầu Nga của các nước phương Tây.
Nga cáo buộc đây là động thái "nguy hiểm, bất hợp pháp" có thể "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do. "Chúng tôi tự tin rằng dầu Nga vẫn sẽ tiếp tục được chuyển đến những nơi có nhu cầu, bất chấp các biện pháp từ phương Tây", đại sứ quán Nga tại Mỹ viết.
Trong khi đó, Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm nay viết trên Telegram rằng việc Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia nhất trí áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng sẽ "hủy diệt" nền kinh tế Nga. Yermak cho rằng giá trần 30 USD/thùng "sẽ hủy diệt nó nhanh hơn".
Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt hôm 2/12 xác nhận đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga. Họ cho rằng động thái này nhằm hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Động thái áp giá trần sẽ cho phép các nước không thuộc EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm xử lý những lô hàng dầu thô của Nga nếu chúng được bán với giá cao hơn giá trần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo sẽ cắt nguồn cung tới các nước áp đặt giá trần với dầu Nga.
Dầu thô Ural, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, có giá bán không cố định và được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng trước khi các nước phương Tây nhất trí về giá trần.
Giới chuyên gia phương Tây ước tính Nga thu được 71 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ cho EU kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khoản tiền này lớn hơn ngân sách quốc phòng khoảng 63,2 tỷ USD của Nga, vượt xa khoản viện trợ tài chính và quân sự mà các quốc gia EU dành cho Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)