"Chúng tôi đã tham gia thỏa thuận ngũ cốc để hỗ trợ các nước đang phát triển, những người bạn của chúng tôi, cũng như nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt với lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng chúng tôi lại bị lừa dối", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo với phóng viên quân sự ngày 13/6.
Thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển, được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do ảnh hưởng từ xung đột ở châu Âu. Thỏa thuận đã được gia hạn một số lần và đang có thời hạn đến ngày 17/7.
Để thuyết phục Nga chấp nhận thỏa thuận được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, các quan chức Liên Hợp Quốc đã đồng ý hỗ trợ Nga xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên, ông Putin nói lời hứa này không được thực hiện.
"Các điều khoản tự do hóa cung cấp ngũ cốc của chúng tôi cho thị trường nước ngoài không được thực hiện. Có rất nhiều điều khoản mà phương Tây phải hoàn thành dưới sự điều hành của Liên Hợp Quốc, nhưng họ đã không làm gì", ông nói.
Lãnh đạo Nga lưu ý hầu hết ngũ cốc của Ukraine cũng được chuyển đến các quốc gia khá thịnh vượng của Liên minh châu Âu, trái với một thỏa thuận ba năm mà họ từng ký. Ông thêm rằng các nước châu Phi hầu như không được nhận nguồn ngũ cốc này.
"Do đó, chúng tôi đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. Hơn nữa, các hành lang dành cho tàu thuyền vận chuyển cũng thường xuyên bị kẻ địch sử dụng để phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái", ông nói.
Nếu Nga rút khỏi thỏa thuận, ông Putin khẳng định Moskva sẵn sàng cung cấp miễn phí ngũ cốc cho các nước nghèo nhất trên thế giới, thay thế nguồn cung từ Ukraine.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 13/6 nói rằng họ đã đạt được một số tiến triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Nga, song "vẫn còn một số trở ngại".
"Chúng tôi không nắm tất cả các đòn bẩy quyền lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, vốn không nằm trong danh sách trừng phạt", Dujarric nói.
Mỹ kêu gọi Nga ngừng đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu.
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới và cũng là những người chơi chính trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Moskva cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.
Thanh Tâm (Theo TASS, Reuters)