"Hệ thống thanh toán ẩn danh và tiền ảo, trong đó có loại phổ biến nhất - Bitcoin, chỉ được coi là một dạng thay thế cho tiền, và không được phép sử dụng bởi các cá nhân hay tổ chức", Văn phòng Công tố trưởng liên bang Nga cho biết tuần trước.
Giới chức Nga nhấn mạnh luật pháp nước này quy định đồng rouble là tiền tệ chính thức duy nhất. Do đó, việc sử dụng bất kỳ loại tiền nào khác sẽ được coi là phi pháp, Reuters cho biết.
Cuối tháng một, Ngân hàng trung ương Nga cũng cho biết giao dịch Bitcoin chủ yếu là đầu cơ, và tiền tệ này luôn có rủi ro mất giá lớn. "Các công dân và tổ chức có nguy cơ bị kéo vào những hoạt động phi pháp, như rửa tiền cho tội phạm hay cung cấp tiền cho khủng bố", cơ quan này cảnh báo.
Văn phòng Công tố liên bang cho biết họ đang làm việc với ngân hàng trung ương và các cơ quan thực thi luật pháp khác, để thắt chặt quy định và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo.
Động thái của Nga diễn ra đúng thời điểm đồng Bitcoin đang lao đao. Ngày 8/2, giá mỗi đồng mất 20%, về hơn 680 USD sau khi sàn giao dịch Mt. Gox ngừng cho phép rút tiền mặt để khắc phục sự cố.
Cuối tuần trước, hai người Mỹ - Pascal Reid và Michel Abner Espinoza, cũng bị chính quyền bang Florida bắt giữ vì cáo buộc rửa tiền và tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiền tệ không được cấp phép. "Việc sử dụng Bitcoin trong giao dịch là phương thức phổ biến mới cho các hoạt động phạm tội. Đây là việc bắt giữ đầu tiên tại bang liên quan đến rửa tiền bằng Bitcoin", tòa án liên bang tại Miami (Florida, Mỹ) cho biết.
Trước đó, cuối tháng một, Mỹ cũng bắt giữ Robert Faiella và Charlie Shrem - người điều hành sàn giao dịch BitInstant.com, do có liên quan đến vụ mua bán Bitcoin trị giá hơn một triệu USD cho các thành viên của mạng giao dịch ma túy trực tuyến Silk Road.
Hà Thu