Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm nay, "Moskva quyết định mở rộng danh sách những công dân Đức bị cấm nhập cảnh vào Nga" nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 10, nhưng không nêu rõ danh tính các cá nhân bị "cấm cửa".
Trước đó, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt với Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) Igor Kostyukov và sĩ quan tình báo Dmitri Badin, với cáo buộc thâm nhập email của Thủ tướng Angela Merkel trong một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính nội bộ của quốc hội Đức hồi năm 2015.
Sự việc năm 2015 không phải là lần duy nhất chính phủ Đức nghi ngờ tin tặc Nga là chủ mưu. Khi mạng lưới công nghệ thông tin quốc gia bị tấn công vào năm 2018, Berlin cũng đưa ra nhiều báo cáo đổ lỗi cho Moskva. Nga từng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc.
Hồi tháng 10, EU còn nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt với 6 cá nhân và một thực thể của Nga vì nghi ngờ liên quan đến vụ đầu độc Alexei Navalny, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga. Navalny bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva ngày 20/8, sau đó được đưa tới Berlin để điều trị.
Chuyên gia một số nước phương Tây kết luận Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, dù Nga nhiều lần bác bỏ. Trong khi đó, nhà hoạt động này cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đứng sau kế hoạch nhằm vào ông. Đáp lại, Putin cho rằng Navalny "có thể đã tự đầu độc" trong một âm mưu bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Nga.
Cục Cải huấn Liên bang Nga hôm 28/12 ra "tối hậu thư" yêu cầu Navalny trình diện tại Moskva vào hôm nay, nếu không muốn chịu trách nhiệm pháp lý và chịu án tù thay vì bản án treo như hiện nay. Năm 2014, Navalny và anh trai Oleg bị kết tội biển thủ khoảng 500.000 USD từ hai công ty Nga trong năm 2008-2012.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)