Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và đồng minh đã nhanh chóng áp loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với năng lượng Nga, với hy vọng chặt đứt nguồn thu khổng lồ từ dầu khí của nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm than đá của Nga kể từ ngày 8/3. Liên minh châu Âu (EU), thị trường lớn của năng lượng Nga, tuyên bố ngừng nhập khẩu phần lớn dầu thô Nga từ tháng 12 và các sản phầm dầu tinh chế hai tháng sau đó.
Xuất khẩu dầu thô Nga bằng tàu biển có xu hướng giảm trong giai đoạn tháng 5-7, với Trung Quốc, Ấn Độ và Italy là những điểm đến hàng đầu, theo dữ liệu của công ty phân tích thương mại KPLER. Trong nửa đầu tháng 9, xuất khẩu dầu Nga bằng tàu biển ở mức 3,03 triệu thùng mỗi ngày, giảm khoảng 314.000 thùng so với tháng 8 và là mức thấp nhất kể từ khi xung đột bùng phát, theo S&P Global Insights.
Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là nguồn năng lượng duy nhất mà Nga có, đồng thời Mỹ và EU cũng không phải thị trường duy nhất cho các sản phẩm đó. Các lô hàng xăng xuất khẩu vẫn tương đối ổn định, trong khi Nga còn có LNG, than đá và năng lượng hạt nhân.
Bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, Nga vẫn thu về hơn 155 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 9, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch. Hơn 80 tỷ USD trong đó đến từ các khách hàng châu Âu. Tới cuối tháng 9, số tiền này vượt mức 98 tỷ USD, tương đương khoảng 255 triệu USD mỗi ngày.
Nga đã giảm giá dầu khá mạnh, khoảng 30 USD mỗi thùng so với dầu Brent, để thu hút các khách hàng như Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Pakistan hay Bangladesh. Dù Nga đang giảm dần mức chiết khấu, giới phân tích tin rằng chính sách này vẫn sẽ được duy trì, khiến việc nhập khẩu dầu Nga trở nên hấp dẫn với các nước nghèo như Sri Lanka, Pakistan hay Bangladesh.
Hai tàu dầu đầu tiên của Nga tới Sri Lanka xuất phát từ cảng Primorsk và Novorossiysk, nằm trên Biển Baltic và Biển Đen, từng để phục vụ các chuyến hàng năng lượng tới châu Âu. Giới quan sát nói đây là minh chứng cho thấy Nga đang phát triển các tuyến thương mại mới giữa bão trừng phạt của phương Tây.
Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra hào hứng với nguồn dầu khí Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi nhập khẩu dầu Nga trong năm nay và đang ấp ủ kế hoạch trở thành trung tâm trung chuyển LNG của Nga vào châu Âu, sau khi các đường ống Nord Stream gặp sự cố.
Từ tháng 4 tới tháng 7, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và khách hàng dầu thô lớn nhất, đã tăng 17% lượng dầu mua từ Nga so với cùng kỳ năm 2021, theo Reuters.
Bất chấp chính sách chiết khấu và giảm sản lượng khai thác, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng mạnh nhờ giá dầu cao hơn nhiều so với năm 2020, theo tổ chức Dịch vụ Tình báo Địa chính trị ở Liechtenstein.
Các nước EU đã gặp nhiều thách thức khi muốn từ bỏ nhiên liệu Nga. Khí đốt tự nhiên Nga, chủ yếu được cung cấp qua đường ống Nord Stream 1, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu trước xung đột.
Nhưng ngay cả khi EU tìm cách quay lưng với khí đốt Nga để chuyển sang mua hàng từ Na Uy, LNG của Moskva vẫn len lỏi vào thị trường châu Âu bằng đường biển. Dù Nord Stream 1 hiện không hoạt động và Nga phải dành nguồn hàng cho Trung Quốc, các nước châu Âu đang nhập khẩu lượng LNG kỷ lục từ Nga, theo Bloomberg.
Pháp đã tăng 6% lượng LNG nhập từ Nga trong khoảng từ tháng 1 tới tháng 9 so với năm 2021. Lượng khí đốt mà Tây Ban Nha nhập từ Nga trong năm nay đã tăng 23% so với năm 2021. Bỉ cũng đang trên đà vượt mức mua LNG hàng năm từ Nga.
Thị trường châu Á cũng là điểm đến hấp dẫn của năng lượng Nga. Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu năng lượng Nga của Trung Quốc tăng 7% so với năm 2019, theo dữ liệu của Reuters. Từ tháng 4 tới tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu thêm hơn 50% LNG và 6% than đá từ Nga so với cùng kỳ năm 2021.
Xu hướng này dường như sẽ tiếp tục, khi hai bên hồi tháng 2 đàm phán thỏa thuận mở đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Trung Quốc.
Ấn Độ, quốc gia từng hiếm khi nhập khẩu dầu thô Nga, giờ trở thành một khách hàng lớn của Moskva. Giá dầu Nga được chiết khấu đã thúc đẩy lượng mua của Ấn Độ lên mức cao nhất 950.000 thùng mỗi ngày hồi tháng 6. Tuy nhiên, lượng mua sau đó giảm xuống 477.000 thùng mỗi ngày vào tháng 9, khi giá dầu tăng.
Dù Nga là một trong những bên xuất khẩu than đá lớn của thế giới, chiếm khoảng 17% thị phần, lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 1% nền kinh tế của Moskva. Do đó, lệnh cấm than đá của EU, có hiệu lực từ ngày 10/8, khiến xuất khẩu than đá trở nên khó khăn nhưng không gây tác động quá lớn đối với nền kinh tế Nga.
Ngoài nhiên liệu hóa thạch, Nga cũng là nước dẫn đầu thị trường về năng lượng hạt nhân. Công nghệ cũng như năng lượng hạt nhân của Nga không nằm trong danh mục cấm của EU, dù Ukraine kêu gọi liên minh áp đặt các hạn chế như vậy.
Nga tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ hạt nhân. Nhiều cơ sở hạt nhân ở các nước hiện phụ thuộc vào công nghệ và hợp tác của Nga để duy trì hoạt động, ngay cả khi họ không nhập trực tiếp nhiên liệu hạt nhân Nga, theo chuyên gia Robert Ichord tại Hội đồng Đại Tây Dương.
Giới quan sát cho rằng Nga cũng có nhiều biện pháp để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Tôi nghĩ rằng chiến thuật tránh né trừng phạt phổ biến nhất là để các doanh nghiệp Nga núp bóng các công ty bình phong hoặc thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba", Thomas Firestone, đồng chủ tịch nhóm điều tra nội bộ tại Stroock & Stroock & Lavan, nói.
Một số tàu chở dầu của Nga được cho đang hoạt động với cờ của St. Kitts và Nevis, hoặc quần đảo Marshall, theo Strategic Comment.
Theo nghiên cứu của Umbach, "ngày càng nhiều tàu chở dầu của Nga xuất bến mà không có điểm đến được báo trước. Công ty vận tải nhà nước Sovcomflot từ chối cung cấp thông tin điểm đến cho 1/3 đội tàu của họ vào tháng 4. Khoảng 1,1 triệu thùng dầu đã được vận chuyển theo cách đó hồi tháng 4, theo Wall Street Journal.
Giới phân tích cho rằng một nguyên nhân khác khiến các đòn trừng phạt nhắm vào Nga kém hiệu quả là các nước phương Tây chỉ đang chọn những biện pháp hạn chế mà họ có thể chấp nhận được. Họ cho rằng nếu muốn các lệnh trừng phạt có hiệu quả, tất cả các nhà nhập khẩu dầu lớn trên thế giới sẽ phải cùng quay lưng với dầu Nga, điều bất khả thi trong tình hình hiện nay.
Christof Ruhl, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia, mô tả việc "trừng phạt có chọn lọc" này là canh bạc mạo hiểm. Ông cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể phản tác dụng, khiến giá dầu tăng cao, gây bất lợi cho chính các nước áp lệnh trừng phạt.
"Một loại vũ khí chỉ phát huy tác dụng khi nhắm trúng mục tiêu nhất định. Nhưng không rõ việc vũ khí hóa xuất khẩu năng lượng của phương Tây đang nhằm mục đích gì", Nikos Tsafos, cựu chủ tịch phụ trách năng lượng tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, từng nói.
Trong khi tác động lên Nga khá hạn chế, các lệnh trừng phạt lại đang bóp nghẹt nguồn cung năng lượng quốc tế, cũng như các nguồn khoáng sản và kim loại quan trọng. "Đã đến lúc phải đánh giá lại chi phí kinh tế của các lệnh trừng phạt đối với thế giới và với Nga", Noha Razek và Brian McQuinn, hai nhà phân tích của Đại học Regina ở Canada, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Vox, Conversation)