Tờ Daily Mail ngày 29/10 dẫn nguồn tin giấu tên cho hay "các đặc vụ bị tình nghi làm việc cho Điện Kremlin" đã truy cập vào "những cuộc trao đổi tối mật của bà Truss với đối tác quốc tế", trong đó có các cuộc thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm những chuyến hàng vũ khí.
Tin tặc cũng xâm nhập vào tin nhắn của bà Truss với đồng minh thân cận là ông Kwasi Kwarteng, có nội dung chỉ trích thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson. Vụ xâm nhập được phát hiện vào mùa hè, khi bà Truss còn là ngoại trưởng, đang vận động để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng tiếp theo. Nguồn tin cho hay thủ tướng Johnson và cố vấn chính sách cấp cao Simon Case đã "ém thông tin".
Daily Mail nói thêm rằng điện thoại đang đặt cất giữ trong két sắt tại một địa điểm an toàn của chính phủ. Bài báo không nói rõ cơ sở để tình nghi Nga đứng sau vụ xâm nhập.
Bà Liz Truss chưa lên tiếng. Điện Kremlin cũng chưa bình luận về thông tin.
Phản ứng trước thông tin này, phát ngôn viên chính phủ Anh nói rằng "chúng tôi không bình luận về các vấn đề an ninh cá nhân" nhưng nói thêm "có hệ thống mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa Internet".
Yvette Cooper, chính trị gia Công đảng phụ trách an ninh nội địa, nhận định tin tức này làm dấy lên "các vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng", bao gồm nguyên nhân và cách thức thông tin rò rỉ. "Tất cả vấn đề an ninh này cần được điều tra và giải quyết ở cấp cao nhất", bà nói.
Layla Moran, phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ Tự do, cho rằng "cần lập tức mở điều tra độc lập để tìm hiểu sự thật".
Bà Liz Truss giữ chức ngoại trưởng Anh từ 15/9/2021 tới 6/9/2022, trước khi trở thành người kế nhiệm ông Boris Johnson. Trong thời gian làm ngoại trưởng, bà từng công du Nga hồi đầu tháng 2, trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bà Truss trở thành thủ tướng Anh từ ngày 6/9 nhờ cam kết vực dậy nền kinh tế Anh nhưng loạt sai lầm trong điều hành khiến bà từ chức chỉ sau 44 ngày.
Hồng Hạnh (Theo AFP)