Cảnh sát vũ trang đổ bộ từ trực thăng hôm 22/9 ập vào giáo xứ ở Siberia do Sergei Torop, người được các tín đồ gọi là Vissarion, đứng đầu và bắt ông ta cùng hai trợ lý. Torop, 59 tuổi, với mái tóc và bộ râu dài màu muối tiêu, bị các đặc nhiệm đeo khẩu trang áp giải ra trực thăng.
Vadim Redkin, cựu tay trống của một ban nhạc thời Liên Xô, được biết đến như cánh tay phải của Torop, cũng bị bắt cùng một trợ lý khác là Vladimir Vedernikov.
Chiến dịch do Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) phối hợp với cảnh sát và các cơ quan khác tiến hành. Ủy ban Điều tra Nga cho biết sẽ truy tố Torop tội điều hành một tổ chức tôn giáo phi pháp, cáo buộc giáo phái này tống tiền tín đồ và khiến họ bị lạm dụng về tinh thần.
Torop từng là cảnh sát giao thông nhưng mất việc vào năm 1989. Ông này năm 1991 tuyên bố mình đã được "giác ngộ" và thành lập một phong trào mà ngày nay được biết đến với cái tên Giáo hội Kinh thánh Cuối cùng.
Torop có hàng nghìn tín đồ sống trong những ngôi làng hẻo lánh ở vùng Krasnoyarsk tại Siberia. Trong số những người gia nhập giáo phái có các học giả ở khắp nước Nga cũng như người hành hương ở nước ngoài.
"Tôi không phải là Chúa. Đó là một sai lầm khi xem Jesus là Chúa. Nhưng tôi đang là ngôn từ sống của Chúa. Mọi thứ Chúa muốn nói, ông ấy đều truyền qua tôi", Torop từng nói năm 2002.
Theo truyền thông Nga, Torop ban đầu tuyên bố Chúa Jesus đang quan sát mọi người từ một quỹ đạo gần Trái đất và Đức mẹ Đồng trinh Mary đang "điều hành nước Nga", nhưng sau đó ông ta tuyên bố mình là hiện thân của Chúa Jesus.
Giáo phái của Torop kết hợp một loạt nghi thức rút ra từ Cơ đốc giáo Chính thống với các chỉ dụ về môi trường và một loạt quy tắc khác. Họ thực thi chế độ ăn chay và cấm trao đổi tiền tệ trong cộng đồng. Các tín đồ mặc quần áo khắc khổ và đếm năm bắt đầu từ 1961, năm sinh của Torop, trong khi ngày Giáng sinh được thay thế bằng ngày lễ 14/1, ngày sinh của ông ta.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra với các môn đồ sau khi thủ lĩnh của họ bị bắt, cũng không rõ tại sao giới chức Nga lại quyết định hành động vào lúc này. Giáo hội Chính thống giáo Nga từ lâu đã lên án giáo phái này, nhưng giới chức Nga trong nhiều năm không có hành động pháp lý với họ.
Anh Ngọc (Theo Guardian)