Phan Đình Phùng, hiệu là Châu Phong, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học ở làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh.
Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên năm 1877 và được bổ làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), sau về Huế giữ chức ngự sử. Tính ông cương trực, khảng khái, nhiều lần tố cáo những vụ việc khuất tất. Năm 1883, do bất đồng quan điểm với Tôn Thất Thuyết về việc phế vua Dục Đức, lập vua Hiệp Hòa, Phan Đình Phùng bị cắt chức, đuổi về quê nhà.

Chân dung Phan Đình Phùng. Ảnh tư liệu
Năm 1885, vua Hàm Nghi mưu việc kháng Pháp không thành nên phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Phan Đình Phùng bỏ qua nỗi hiềm khích riêng, cùng Tôn Thất Thuyết chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đứng lên chiêu tập lực lượng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để chống ngoại xâm.
Lúc này, Phan Đình Phùng lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ tại Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh). Theo giúp ông có nhiều trí thức và võ tướng. Suốt 10 năm (1885-1896), nghĩa quân do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã lập được những chiến công lớn.
Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa, người Pháp dùng mọi cách để mua chuộc Phan Đình Phùng nhưng ông một lòng cự tuyệt.
Trong một trận giao tranh, Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh vào ngày 28/12/1895. Khởi nghĩa Hương Khê cũng thất bại ngay sau đó. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là đỉnh cao, tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương với quy mô rộng lớn, tổ chức tương đối chặt chẽ và gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề.