Kỷ nguyên của Mike Ashley khép lại với những màn ăn mừng cùng những tranh cãi lớn. Những ông chủ mới hứa hẹn biến Newcastle trở thành "thiếu gia" mới của bóng đá Anh, trong khi các nhóm nhân quyền chỉ trích họ "tẩy rửa thể thao".
Sau khi PIF hoàn tất việc mua lại cổ phần Newcastle tối 7/10, hàng nghìn CĐV Newcastle tập trung bên ngoài sân St. James' Park để ăn mừng, như thể họ đã đăng quang Ngoại hạng Anh. Họ có quyền mơ mộng, khi Amanda Staveley - thành viên Hội đồng Quản trị Newcastle - tuyên bố sẽ biến CLB trở thành ứng viên vô địch Ngoại hạng Anh trong những năm tới.
"Chúng tôi có muốn vô địch Ngoại hạng Anh trong vòng 5 năm đến 10 năm tới không? Chắc chắn là có", Staveley nói với Sky Sports. "Việc tiếp quản này là sự chuyển giao lớn, và chúng tôi muốn mang về những danh hiệu. Những điều đó cần sự đầu tư, thời gian, sự kiên nhẫn cùng nỗ lực tập thể. Dĩ nhiên chúng tôi có cùng tham vọng như PSG và Man City. Nhưng Newcastle cần thời gian".
Staveley là CEO của PCP Capital Partners, đang nắm giữ 10% cổ phần Newcastle. Bà là một trong ba thành viên hội đồng quản trị mới của CLB này. Người thứ hai là Jamie Reuben, con trai của tỷ phú David Reuben. David và Simon Reuben là hai anh em tỷ phú sáng lập RB Sports & Media, đang sở hữu 10% cổ phần Newcastle. 80% cổ phần còn lại của Newcastle do PIF nắm giữ.
Cuộc chuyển giao này được so sánh với việc Sheikh Mansour tiếp quản Man City tháng 9/2008. Mansour - thành viên Hoàng gia Abu Dhabi - nắm trong tay khối tài sản hơn 31 tỷ USD, còn tài sản của PIF năm 2021 là 500 tỷ USD và dự kiến năm 2025 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Nhưng, Man City hiểu rất rõ về việc những ông chủ mới, với khối tài sản khổng lồ, không thể giúp CLB "hóa rồng" trong một sớm một chiều.
Ai có thể quên được việc Robinho gia nhập Man City ở ngày cuối kỳ chuyển nhượng hè 2008, hay những phát biểu đầu tiên của Mansour sau khi tiếp quản CLB. Sau khi thất bại trong việc chiêu mộ Dimitar Berbatov - tiền đạo quyết định gia nhập đại kình địch Man Utd, Man City đã chuyển hướng và toàn tất thương vụ kỷ lục 46 triệu USD với Robinho, bất chấp việc ngôi sao Brazil đã đạt mọi thỏa thuận với Chelsea.
Dù vướng luật Công bằng Tài chính, người hâm mộ Newcastle đang rất kỳ vọng việc những ông chủ mới sẽ vung tiền để tạo ra những bom tấn đầu năm 2022, hoặc muộn nhất là kỳ chuyển nhượng hè.
Robinho khởi đầu hứa hẹn tại Etihad, nhưng anh vẫn là nỗi thất vọng lớn của Man City, khi bị bán cho AC Milan năm 2010, sau thời gian cho mượn tại Santos. Sau đó, tiền đạo đồng hương Jo thậm chí còn gây thất vọng lớn hơn. Anh gia nhập Man City với giá 26 triệu USD, nhưng chỉ ghi sáu bàn sau 42 trận. Nigel de Jong thì để lại dấu ấn đậm nét sau thương vụ 24 triệu USD, khi tiền vệ Hà Lan là trụ cột giúp Man City giành chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên năm 2011-2012.
Trong năm đầu tiếp quản Man City, Mansour đã chi hơn 170 triệu USD để nâng cấp đội hình. Bên cạnh Robinho, Jo và De Jong, Man City còn mang về Craig Bellamy, Wayne Bridge, Shaun Wright-Phillips, Shay Given, Pablo Zabaleta, Vincent Kompany và Tal Ben Haim. Nhưng phải tới tháng 5/2011, Man City mới hái quả ngọt, với chiếc Cup FA cùng tấm vé dự Champions League.
Vậy, bước đầu tiên của một triều đại mới có phải là mang về một HLV tầm cỡ hay không? Man City chỉ đứng thứ 10 tại Ngoại hạng Anh mùa 2008-2009, nhưng vẫn tin tưởng Mark Hughes ở mùa kế tiếp. Nhưng ông bị sa thải khi Man City đứng thứ sáu, chỉ giành hai chiến thắng trong 11 trận đầu mùa. Roberto Mancini là người được lựa chọn thay thế.
"Mark Hughes đã rất tức giận", cựu giám đốc điều hành của Man City - Garry Cook - nói với Sky Sports tháng 1/2019. "Một trong những điều tôi hối tiếc nhất là cách cắt đứt mối quan hệ với Hughes. Tôi đã không xử lý điều đó một cách hợp lý. Tôi bị cuốn vào tham vọng của CLB".
Steve Bruce cũng không còn nhiều thời gian ở Newcastle. HLV 60 tuổi người Anh nhiều khả năng sẽ bị sa thải trước trận gặp Tottenham ngày 17/10. Bruce sẽ cán mốc 1.000 trận cầm quân nếu tiếp tục dẫn dắt Newcastle trận gặp Tottenham, nhưng ông có quá nhiều kinh nghiệm để hiểu được bản chất của công việc này.
Những ông chủ mới muốn Newcastle cạnh tranh danh hiệu, nhưng họ hiện đứng thứ 19 tại Ngoại hạng Anh. Newcastle thậm chí chưa thắng trận nào sau bảy vòng. Sau khởi đầu chậm chạp, giới chóp bu mới của Newcastle có lẽ đang nghiên cứu một HLV mới, người có đủ khả năng giúp CLB vượt qua giông bão, trước khi mơ mộng về những danh hiệu.
Newcastle đã trải qua chặng đường đầy chông gai, kể từ khi thăng hạng năm 1993, và cán đích thứ ba tại Ngoại hạng Anh ngay mùa sau đó. "Những chú chim chích chòe" tiếp tục gây bất ngờ với ngôi á quân ở mùa 1995-1996 và 1996-1997.
Newcastle bắt đầu suy yếu từ giữa những năm 2000, và khi Ashley tiếp quản CLB năm 2007, với hai lần liên tiếp đứng ở nửa cuối Ngoại hạng Anh. Newcastle xuống hạng năm 2009, nhưng trở lại Ngoại hạng Anh ngay mùa sau đó, dưới thời Chris Hughton. Họ đứng thứ năm ở mùa 2011-2012, dưới thời Alan Pardew, nhưng sa sút bốn năm sau đó, rồi tiếp tục xuống hạng ở mùa 2015-2016.
Sự lạc quan trở lại với sân St James' Park, khi Rafa Benitez giúp Newcastle đứng thứ 10 tại Ngoại hạng Anh mùa 2017-2018. Nhưng việc hạn chế chi tiêu cùng những kết quả đi xuống sau đó đã kéo tụt tâm trạng của người hâm mộ vùng Tyneside.
Newcastle xếp thứ 19 theo bảng xếp hạng Football Money League của Deloitte năm 2019, đánh dấu mức tăng trưởng doanh thu hàng năm lớn nhất trong số các CLB được liệt kê. Nhưng Benitez không nhận sự hậu thuẫn từ Mike Ashley. Newcastle chỉ chi 29 triệu USD trong hai năm tại vị của nhà cầm quân Tây Ban Nha, từ hè 2017 đến hè 2019. Nhưng CLB đã chi hơn bốn lần số tiền này trong cùng khoảng thời gian, kể từ khi Bruce nắm quyền.
Joe Willock là thương vụ đình đám nhất của Newcastle hè 2021, khi tiền vệ 22 tuổi người Anh cập bến St James' Park với giá 28 triệu USD. Trung bình, mức chi tiêu ròng hàng năm của Newcastle dưới thời Ashley chỉ khoảng 13 triệu USD.
Nhưng những ông chủ mới sẽ không lập tức tung cả núi tiền để Newcastle nâng cấp đội hình. Phóng viên Keith Downie của Sky Sports nói: "Họ muốn đầu tư dần dần trong những tháng và năm tới. Có rất nhiều thứ cần được cải thiện ở Newcastle, cơ sở hạ tầng, sân vận động, học viện. Tất cả đều cần đầu tư, và tôi nghĩ đó sẽ là ưu tiên của họ. Một trong những ưu tiên khác của họ là giữ cho Newcastle ở Ngoại hạng Anh. Nếu Newcastle xuống hạng, công cuộc tiếp quản này sẽ ngay lập tức thất bại".
Allan Saint-Maximin là ngôi sao số một của Newcastle. Anh thi đấu thăng hoa từ đầu mùa, ghi hai bàn và ba kiến tạo trong bảy trận đầu Ngoại hạng Anh. Nhưng chính phong độ này lại khiến tương lai của Saint-Maximin trở thành dấu hỏi lớn. Liverpool, Everton và Chelsea được cho đã hỏi mua ngôi sao chạy cánh 24 tuổi, nhưng bị Newcastle từ chối thẳng thừng.
Trong những tuần trước khi gia hạn hợp đồng sáu năm với Newcastle hồi tháng 10 năm ngoái, Saint-Maximin thừa nhận sẽ tìm bến đỗ mới nếu CLB "không phát triển theo tham vọng của mình". Khi được hỏi về tương lai hồi đầu năm, Saint-Maximin tiếp tục khẳng định: "Tôi thi đấu để đoạt danh hiệu, chứ không đá cho qua ngày".
Với tham vọng vô địch Ngoại hạng Anh trong thập kỷ tới như Staveley tuyên bố, cùng túi tiền không đáy của PIF, Newcastle - chỉ trong nháy mắt - đã trở thành CLB có thể đáp ứng tham vọng và khát khao của Saint-Maximin.
"Một khởi đầu mới với một Newcastle United đầy tham vọng", Saint-Maximin viết trên Twitter sau cuộc chuyển giao của CLB, như một lời chỉ trích hướng về Ashley.
Bên cạnh việc kích hoạt những bom tấn, tìm kiếm HLV mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, giữ chân Saint-Maximin ở phía Đông Bắc nước Anh sẽ là một trong những mục tiêu của những ông chủ mới trong công cuộc giúp Newcastle "hóa rồng".
PIF tới St James' Park với nhiều nhiệm vụ quan trọng cả trong và ngoài sân cỏ. Staveley cùng chủ tịch không điều hành Yasir Al-Rumayyan sẽ cố gắng lèo lái CLB đã trôi dạt suốt 14 năm qua dưới thời Ashley, trở lại đúng quỹ đạo.
Ngoại hạng Anh xác nhận Saudi Arabia không được phép kiểm soát các hoạt động của Newcastle. Nếu có bằng chứng cho thấy quốc gia Tây Á này can thiệp, những ông chủ sở hữu mới của Newcastle có thể bị cách chức.
Đại diện cho PIF là Thống đốc người Saudi Arabia Yashir bin Othman Al-Rumayyan. Rumayyan là người thứ ba trong hội đồng quản trị Newcastle, kiêm chức chủ tịch không điều hành. Do Saudi Arabia không được phép kiểm soát các hoạt động của Newcastle, Rumayyan chỉ nhận chức này trên giấy tờ.
Khi giới chóp bu mới chuẩn bị bắt tay vào công cuộc làm mới Newcastle, đây chỉ là một số thách thức mà họ phải đối mặt khi cố gắng sao chép thành công của Man City.
Nhiều CĐV Newcastle, những người đã chỉ trích Ashley trong phần lớn triều đại của ông tại St James' Park, ăn mừng điên cuồng vào đêm thứ Năm khi tập đoàn được tài trợ bởi Saudi Arabia hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần CLB.
Nhưng đồng thời, nó nhận nhiều chỉ trích từ các nhóm nhân quyền. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi cuộc chuyển giao này là "đòn cực kỳ cay đắng với những người bảo vệ nhân quyền".
Sacha Deshmukh, Giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Anh nói: "Đây được coi là ngày tuyệt vời với nhiều người hâm mộ Newcastle, nhưng đồng thời là ngày rất đáng lo ngại đối với bất kỳ ai quan tâm đến quyền sở hữu các CLB bóng đá Anh, và liệu những các CLB lớn đang được sử dụng để tẩy rửa sự lạm dụng nhân quyền. Theo đánh giá của chúng tôi, thương vụ này như việc tẩy rửa thể thao, hơn là về bóng đá, khi Saudi Arabia sử dụng bóng đá như công cụ để quản lý và quảng bá hình ảnh".
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhiều lần cáo buộc PIF - Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia sở hữu 80% cổ phần Newcastle - "tẩy rửa thể thao", cố gắng sử dụng thể thao để đánh bóng tên tuổi.
Trong khi đó, Staveley khẳng định PIF và nhà nước Saudi Arabia là những thực thể hoàn toàn riêng biệt. Bà đồng thời khẳng định không tham gia vào thương vụ, nếu quốc gia Tây Á này can thiệp vào các hoạt động của Newcastle.
HLV đương nhiệm Steve Bruce khó lòng giữ ghế, khi Newcastle chưa thắng trận nào sau bảy vòng đầu Ngoại hạng Anh. Bruce - người chỉ vài ngày trước khi bị yêu cầu từ chức bởi 94,3% trong số hơn 5.000 người được hỏi trong cuộc thăm dò của "Hội những người ủng hộ Newcastle" - bày tỏ mong muốn tiếp tục dẫn dắt CLB. Nhưng ông cũng thừa nhận "bạn phải thực tế và những ông chủ mới muốn một HLV mới để khởi động chiến dịch của họ".
Nếu việc tiếp quản được thông qua vào năm ngoái, Benitez nhiều khả năng vẫn sẽ tại vị ở sân St James' Park, nhưng ông giờ đang làm tốt tại Everton. Cựu HLV Juventus, Inter Milan và Chelsea Antonio Conte là ứng viên hàng đầu của các nhà cái. HLV Leicester Brendan Rodgers, và huyền thoại Steven Gerrard - người đang dẫn dắt Leicester - cũng đang được tính đến.
Việc đầu tư cho chuyển nhượng luôn là vấn đề của Newcastle trong nhiều năm qua. Việc thiếu ngân sách để chiêu mộ tân binh là một trong những nguyên nhân khiến Benitez rời đi năm 2019.
Chính sách thắt lưng buộc bụng dưới triều đại Ashley - chỉ mua những cầu thủ trẻ triển vọng với mục đích bán họ với lợi nhuận đáng kể, như những thương vụ với Yohan Cabaye, Moussa Sissoko hay Aleksandar Mitrovic - giúp Bruce có đội ngũ trẻ trung, giàu năng lượng.
Saint-Maximin như một món hời từ khi gia nhập Newcastle với giá 21 triệu USD từ Nice, trong khi Joelinton - bản hợp đồng kỷ lục CLB với giá 54 triệu USD - chưa đáp ứng được kỳ vọng, trong khi toàn bộ ngân sách mùa hè 2021 đã đổ vào Joe Willock. "Những chú chim chích chòe" được cho đang nhắm đến một tiền vệ công để dẫn dắt lối chơi, cùng một trung vệ có khả năng chỉ huy hàng thủ.
"Đúng là Newcastle có túi tiền lớn, nhưng chúng tôi cũng cần chi tiêu hợp lý về mặt thương mại khi có những quy tắc xung quanh việc đầu tư vào Ngoại hạng Anh. Chúng tôi phải tuân theo những điều đó và nhận thức được việc này", Staveley nhấn mạnh.
St James' Park gần trung tâm thành phố, cách ga Trung tâm - nhà ga chính của thành phố khoảng 500 m về phía bắc, và là một trong những sân đấu hoành tráng nhất của bóng đá Anh. Nhưng St James' Park đã bắt đầu xuống cấp. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc nâng cấp trụ sở huấn luyện Darsley Park.
Năm 2013, Newcastle vạch ra kế hoạch xây dựng một trụ sở hiện đại mới trị giá gần 14 triệu USD. Giám đốc bóng đá Newcastle Joe Kinnear khi đó nói trụ sở mới này sẽ "sánh ngang với các đội bóng hàng đầu châu Âu", và việc lập kế hoạch đã được cấp phép. Nhưng đến giờ, công cuộc xây dựng vẫn chưa bắt đầu, khi toàn bộ quỹ đầu tư sau đó đã được dồn cho việc phục vụ công tác chuyển nhượng.
Một số cải tiến đã được thực hiện khi Benitez nắm quyền, nhưng cơ sở hạ tầng của Newcastle hiện không thể sánh bằng những CLB khác tại Ngoại hạng Anh.
Newcastle chưa giành danh hiệu quốc nội nào, kể từ chức vô địch Cup FA năm 1995. Việc đăng quang Inter-Cities Fairs Cup - giải đấu tiền thân của Cup UEFA - năm 1969 giờ chỉ còn là ký ức xa vời với những CĐV Newcastle.
Giờ, Newcastle thừa khả năng chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu, khi về mặt tiềm năng là CLB bóng đá giàu nhất thế giới. Nhưng Staveley cảnh báo việc chi tiêu của Newcastle sẽ bị giới hạn bởi Luật Công bằng Tài chính, cũng như phải "hợp lý về mặt thương mại".
"Chúng tôi mua Newcastle với mục tiêu muốn các CĐV ăn mừng những danh hiệu, nhưng họ cần ủng hộ và giúp chúng tôi đạt được mục tiêu, và điều đó thì cần nhiều thời gian", Staveley nói. "Chúng tôi không thể lập tức vô địch Ngoại hạng Anh, mà trước mắt phải nâng cấp cơ sở hạ tầng ở tất cả các cấp độ, để phù hợp cho việc cạnh tranh danh hiệu".
Staveley khẳng định Newcastle xây dựng chiến lược dài hạn để giúp Newcastle thi đấu tại Champions League, nhưng người hâm mộ cần kiên nhẫn.
Hồng Duy (theo Sky Sports)