![]() |
Một con trăn xanh Australia. Cho đến trước phát hiện này, chưa hề có bằng chứng cho thấy những con rắn lớn như vậy từng sống tại quốc đảo láng giềng New Zealand. |
Phát hiện được công bố hồi tháng trước, tại Hội nghị khảo cổ học quốc tế ở Sydney. Các chuyên gia của bảo tàng Te Papa (New Zealand) đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch của chim, cá, bò sát và thú, trong số đó có những xương hàm nhỏ và mảnh răng vụn của một con rắn giống trăn. Con rắn này sống cách đây khoảng 15-20 triệu năm, trong thời kỳ địa chất được gọi là Thế Trung Tân, thuộc Kỷ thứ ba.
Vicki Connor, phát ngôn viên của bảo tàng Te Papa, nói: “Đây là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của một con rắn cạn trên đất nước chúng tôi”. Các nhà khoa học dự đoán phát hiện này "đang mở ra một câu chuyện hoàn toàn mới trong lịch sử hóa thạch của New Zealand".
Trong số những hóa thạch mới tìm được, người ta còn thấy có 3 chiếc răng và hai cái vảy của một con bò sát giống cá sấu (dài từ 1,5 tới 2 mét), cùng với bộ răng của một con bò sát có ngoại hình giống tuatara (loài bò sát 4 chân có nhiều gai, chỉ sống trên một số ít đảo ngoài khơi New Zealand). Cho đến nay, hóa thạch tuatara cổ nhất tìm thấy ở New Zealand chỉ có tuổi từ 20.000 tới 30.000 năm.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những mảnh xương nhỏ xíu (chỉ vài milimét) của 5 loài vịt và ngỗng tiền sử, các loài chim, một con thỏ, một con dơi và các loài cá. Tất cả chúng đều chưa từng được khoa học biết tới.
B.H. (theo N.G.)