Tôi không định viết thêm những dòng nào nữa về một New Zealand trù phú, hoang sơ, tươi đẹp. Tôi cũng sẽ không đề cập đến giống chim Kiwi, thời tiết mát mẻ quanh năm, hay một Harbour tuyệt đẹp ở Auckland. Tất cả những gì tôi muốn viết chỉ đơn giản là về cách giáo dục ở xứ sở này. Một cách giáo dục hiệu quả, sáng rỡ và thuần hậu. Qua câu chuyện của một người em, người bạn lâu năm.
Tôi biết Ngọc Hân, hàng xóm của tôi, cũng kha khá lâu. Từ trước khi Hân đi du học New Zealand, nghĩa là non 7 năm, một quãng thời gian đủ để tôi cảm nhận những thay đổi tích cực từ em. Hân vốn là một cô bé nhút nhát, nhỏ con và hầu như chỉ biết cắm đến sách vở. Chừng đó vốn liếng không đủ cho gia đình và những người quen biết em một niềm tin vững chắc rằng Hân sẽ có thể tự mình xoay sở khi phải sống xa gia đình. Vậy mà không. Cuối năm lớp 12, em lên đường đi du học, đến đảo quốc xa xôi phía Nam bán cầu New Zealand. Đây quả là sự kiện trọng đại, một bước ngoặt thực sự cho một cô bé vốn không giỏi trong giao tiếp, chỉ quen thân với một ít bạn bè và hành trang trong ba lô đầy nhóc sách khoa học viễn tưởng.
Bẵng đi một thời gian, vì công việc, tôi cũng ít liên lạc với Hân. Thi thoảng, chúng tôi "like" hình của nhau trên mạng xã hội. Và tôi thấy những album ảnh của Hân, lúc này lúc kia, cập nhật từ đất nước xa xôi ấy. Này đây chuyến xe buýt kéo dài bảy tiếng đồng hồ đưa đoàn du học sinh đến vùng tuyết rơi. Này đây những que kem mát lạnh ăn vội trong buổi chiều trời đổ nắng lên bến cảng. Này đây những người bạn bản xứ đáng mến, bữa cơm vui vẻ ăn cùng một gia đình người Maori.
Hôm Tết vừa rồi Hân về nước, chúng tôi lại được cà phê hàn huyên. Hân đã tốt nghiệp đại học và điều này làm tôi bối rối nghĩ thời gian trôi thật nhanh. Em bảo đã quyết định ở lại tiếp tục học cao học và làm marketing bán thời gian cho một công ty.
Thời gian biết cách nuôi lớn con người và xứ sở ấy quả là một chốn kỳ diệu. Hân không còn là cô bé ngày nào tôi biết nữa, những trải nghiệm, tri thức và sự va chạm đa quốc gia đã khiến Hân hoạt bát, nhanh nhẹn, lịch sự và văn minh vô cùng. Hân kể chuyện về văn hóa, về xếp hàng, giao thông và về cả những giờ giảng sinh động của các giáo viên. Những kiến thức khô khan trên trang giấy được dựng tạo một cách hấp dẫn qua những bài tập phản biện đưa ra bởi giáo viên. Ở đó, họ được tự do sáng tạo, tranh luận, đưa ra những ý kiến. Họ tham gia vào những dự án nho nhỏ như bán nước trái cây cho sinh viên, xây dựng những đêm văn nghệ ấm cúng thân tình cho các bạn xa nhà. Họ được trao những công cụ tốt và một môi trường năng động để có thể thủ đắc những bài học trên giảng đường nhanh nhất.
Hân kể chuyện một anh chàng người Việt từng học ở New Zealand, sau thì chuyển hẳn sang Australia và mở công ty bán thuốc lá điện tử. Người dùng có thể thông qua loại thuốc lá đặc biệt này mà dần dà bỏ hẳn thói quen xấu trên. Anh chàng bán chạy như tôm tươi và trở thành gương sáng cho các du học sinh đang sinh sống ở đất nước này. Tôi tự nghĩ rằng chính tinh thần giáo dục cổ vũ những cái mới, điều hay, khơi gợi trong từng người một cái ý thức phải đổi mới, không giẫm lên lối mòn mới có thể sinh ra những con người như vậy.
New Zealand dạy Hân phải nắm giữ thế giới bằng tri thức, bằng trải nghiệm và một trái tim yêu thương. Loài chim Moa bị tuyệt diệt cách đây hơn 550 năm do việc săn bắt quá độ của người Maori là một ví dụ cho những gì loài người đã từng làm và lấy làm hối hận cho những việc ấy. Thì nay, việc giáo dục ở New Zealand, nhất là thái độ bảo tồn các loài vật, sống hòa thuận với thiên nhiên được xem như một trong những việc làm quan trọng nhất. Sẽ khó lòng có được những thước phim bi tráng như The Lord of the Rings nếu cảnh quan hùng vĩ ấy bị bàn tay con người can thiệp quá nhiều. Nếu như ta thấy những cột khói cao ngất trời trong khuôn hình, những dòng sông bị vấy bẩn bởi hóa chất…
Và Hân mang đến sự mới mẻ đó cho khu phố của tôi. Em trồng một ít cây trước nhà, trang trí hoa trước những bậc thềm và kể những câu chuyện sinh động cho những người như tôi nghe về thế giới ấy. Ở đó, tôi mới nhận ra hành trang em mang về Việt Nam không chỉ là những bài học khô khan về marketing hay kinh tế học.
Qua lời kể của Hân, New Zealand là một xã hội mà sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa người bản địa và những người đến sau luôn nảy nở, tươi nhuận. Hân kể có lần được chứng kiến điệu nhảy Haka trên sân vận động quốc gia. Đó cũng là lần đầu được chứng kiến vũ điệu Haka do chính All Blacks trình diễn. Một thứ nghệ thuật thượng thừa được kết tinh lại sau biết bao nhiêu biến cố lịch sử và được trình bày hiện đại, táo bạo giữa một xã hội văn minh. Đó là cách giáo dục thông tuệ. Một hình thức khẳng định sự khác biệt, đặc trưng hiếm thấy cho một đảo quốc, về mặt địa lý, nằm gần như tách rời khỏi những xã hội khác.
Tôi nghĩ ở xứ ấy người ta không hô hào phải làm văn hóa thế này thế kia, mà người ta hành động. Ngọn lửa văn hóa, lịch sử nóng bỏng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được nuôi dưỡng, chăm bẵm bằng tinh thần ngây thơ và tươi trẻ nguyên vẹn như thuở ban đầu.
Đến bây giờ, vũ điệu Haka vẫn sống lấp lánh dưới làn mưa tươi mát của đất trời.
Chỉ hơn bốn triệu người New Zealand đang nắm tay và che chở cho rất nhiều du học sinh, những người sống xa quê, truyền dòng cảm hứng ấm nóng, để những người đến sau, thiếu quê hương hiểu được thế nào là văn minh, là hòa thuận với đất trời, là sống khỏe sống đẹp. Hân bảo người New Zealand bây giờ rất sợ tăng cân. Họ tích cực thay đổi lối sống, cách ăn uống sinh hoạt để có được một cơ thể khỏe mạnh hơn, trước sự tấn công dữ dội từ những công ty thức ăn nhanh đa quốc gia.
Câu chuyện của Hân làm bùng cháy trong tôi một ý định xưa cũ. Một ước muốn lớn lao và đẹp đẽ, bám lẵng nhẵng theo tôi nhiều năm trời. Đó là được đặt chân đến xứ sở này. Đôi khi, trong buổi nói chuyện với Hân, đầu óc tôi chợt ẩn hiện những kỷ niệm riêng tư về đất nước ấy.
Tôi bắt đầu có những hiểu biết sơ khởi về New Zealand từ loài chim Kiwi. Năm lớp sáu, bản thân còn chưa hiểu gì nhiều, bì bõm tiếng Anh. Dì tôi cho mượn quyển "Facts & Figures: Reading and Vocabulary Development" trong đó có một bài viết tôi nhớ như in về giống chim Kiwi. Một bài viết súc tích nhưng khơi gợi nhiều thứ. New Zealand lúc ấy, trong tôi, vẫn còn bị che bởi một tấm màn mỏng.
New Zealand, như tôi đã từng được đọc về đâu đó, là một đất nước kỳ lạ, như thể một tiểu tinh cầu không thuộc về trái đất. Sự tách biệt đã làm đất nước này bày ra trước mắt những kẻ vừa đặt chân đến những hình ảnh kỳ lạ, thảm thực vật dị biệt. Một nơi hiếm hoi trên trái đất này, chúng ta được thấy như mình được lìa khỏi mẹ trái đất, được bước trên một hành tinh không tên tuổi như trong truyện Hoàng tử Bé.
Tôi nghĩ nếu mình có một cơ may nào đó, được du lịch đến xứ sở này, tôi sẽ tự thưởng cho mình bằng cách lái xe trên con đường nghiêng Baldwin, nghe liên tục "Rainbow Connection" trong suốt cuộc hành trình. Nếu bài hát không gợi lại một kỷ niệm cho người New Zealand lớn tuổi, chí ít, nó cũng sẽ là người bạn đồng hành thú vị và tử tế của tôi:
"What's so amazing
That keeps us stargazing
And what do we think we might see
Some day we'll find it
The rainbow connection
The lovers, the dreamers, and me..."
Trong buổi chiều cà phê trước khi Hân quay lại sống tiếp một năm nữa ở New Zealand, tôi đã học rất nhiều từ em, những gì em được thừa hưởng từ một nền giáo dục tiên tiến, một xã hội văn minh dẫu từng bị rất nhiều cường quốc xem là lạc hậu. Một chân trời mới cho những lứa học sinh tiếp theo đang lấp lánh phía dưới Nam bán cầu. Và tôi hẹn với Hân một ngày không xa mình sẽ lại gặp, đâu đó ở Auckland hoặc trên những con đường ngút mắt chạy đâm vào những dãy núi phía xa. Nơi loài người và muông thú sống với nhau như một đại gia đình.
Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong