![]() |
Judith Miller. |
New York Times tuyên bố đã bị phóng viên ngôi sao của mình Judith Miller “lừa dối". Miller hiện trở thành một nhân vật trung tâm trong vụ Nhà Trắng để lộ danh tính của một nhân viên CIA.
Tờ báo này từng hết lòng ủng hộ Miller, khi cô bị giam 3 tháng vì từ chối tiết lộ nguồn tin của mình.
Cuộc điều tra của công tố viên Patrick Fitzerald tập trung vào việc liệu có quan chức nào trong Nhà Trắng tiết lộ trái phép danh tính của Valerie Plame, một nhân viên CIA, hay không. Chồng của bà Plame, Joseph Wilson, cáo buộc Nhà Trắng đã trả đũa ông, sau khi ông phê phán chính quyền Bush phóng đại các bằng chứng để lấy cớ tiến hành chiến tranh ở Iraq. Ông Wilson từng được cử đi điều tra thông tin Iraq tìm mua uranium của Niger để làm vũ khí hạt nhân.
Hai nhân vật đang hứng chịu nhiều sự nghi ngờ trong vụ tiết lộ này là phụ tá của Tổng thống Bush - Karl Rove - và phụ tá của Phó tổng thống Dick Cheney - Lewis “Scooter” Libby. Nhiều khả năng sẽ có cáo trạng.
3 tháng trước, Miller từng được coi là người hùng trong giới báo chí Mỹ, khi cô thà ngồi tù còn hơn là tiết lộ nguồn tin của mình cho toà án. Tuy nhiên, sau khi cô được tự do, thì những lời khai của cô trước bồi thẩm đoàn lại khiến người ta nghi ngờ về vai trò của cô trong vụ việc.
Nguồn tin của Miller chính là Lewis “Scooter” Libby. Miller khai rằng cô không nhớ được ai đã cung cấp cho cô cái tên “Valerie Plame”, cho dù nó được ghi ở trong sổ tay của cô. Cô "nhớ" một cuộc gặp với ông Libby, nhưng chỉ sau khi đã có người nói với cô rằng có bằng chứng bà Plame là nhân viên mật của CIA. Cô khẳng định đã có cuộc trao đổi với các biên tập viên về bài mà cô đang viết, nhưng cả hai người biên tập bài cho cô vào thời điểm đó cho biết không hề có một cuộc trao đổi như vậy diễn ra.
Tổng biên tập New York Times Bill Keller tuyên bố hối hận là đã không giám sát Miller chặt chẽ hơn và ông không biết rằng cô "là một trong những phóng viên được sử dụng trong chiến dịch ngồi lê đôi mách chống Wilson".
Cách đưa tin của Miller từng bị đặt dấu hỏi. Trước chiến tranh Iraq, cô bị chỉ trích là không phê phán thích đáng những tuyên bố của chính quyền Bush về vũ khí huỷ diệt ở Iraq. Năm ngoái, New York Times phải công khai xin lỗi về cách đưa tin của họ trong vấn đề Iraq. 3 trong số 5 bài báo mà họ nêu ra là do Miller viết.
Phóng viên này, hiện đang nghỉ phép, lập luận rằng cô đã làm những gì tốt nhất "trong những hoàn cảnh phức tạp" và "phóng viên, ngay cả những phóng viên có vấn đề, cũng không nên bị tù giam vì bảo vệ những nguồn tin có vấn đề". Cô khẳng định là "không biết có một chiến dịch cố ý và đồng loạt để làm mất uy tín của Wilson".
Những đồng nghiệp của Miller ở New York Times chỉ trích cô nặng nề. Quyết liệt nhất là nhà bình luận Maureen Dowd trong bài báo có tiêu đề "Người phụ nữ phá huỷ hàng loạt": "Cô ấy không biết khi nào thì nên thôi việc. Đó là tài năng và cũng là sai lầm của cô ấy. Cô ấy tự cho phép mình làm mọi việc, điều đó đã làm tổn hại đến tờ báo này và lòng tin của độc giả. Cô ấy quá xứng đáng với biệt đanh của mình Người Hỗn loạn".
Tuy nhiên, cũng có những người ủng hộ phóng viên này. Hồi tuần trước, Miller được trao giải thưởng Luật bổ sung Thứ nhất tại một hội nghị quốc gia do Hội Các nhà báo Chuyên nghiệp tổ chức vì quyết định của cô chịu đi tù để bảo vệ nguồn tin.
M.C. (theo Guardian, Japan Times)