New York đang sụt lún ở tốc độ 1 - 2 mm/năm dưới sức nặng của những tòa nhà chọc trời. Một số khu vực trong thành phố chìm với tốc độ nhanh hơn. Sự biến dạng có thể gây rắc rối cho thành phố thấp nơi hơn 8 triệu người đang sinh sống. Phát hiện có thể thúc đẩy nỗ lực phát triển những biện pháp giảm thiểu nguy cơ, Science Alert hôm 17/5 đưa tin.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth's Future, nhà địa chất học, Tom Parsons ở Cục khảo sát địa chất Mỹ và đồng nghiệp ở Đại học Rhode Island tính toán khối lượng tích lũy của hơn một triệu tòa nhà ở thành phố New York, đó là 764.000.000.000 kg. Sau đó, họ chia thành phố theo các ô 100 x 100 m2 và đổi khối lượng tòa nhà thành áp lực hướng xuống thông qua cân nhắc sức hút trọng lực.
Ước tính của họ chỉ bao gồm khối lượng tòa nhà và bộ phận bên trong, không tính đến đường sá, vỉa hè, cầu, đường ray và nhiều khu vực lát gạch ở thành phố New York. Ngay cả với những hạn chế như vậy, tính toán mới vẫn chi tiết hơn những quan sát cũ về tình trạng sụt lún trong thành phố do tính tới địa chất phức tạp bên dưới thành phố New York, bao gồm cát, bùn, trầm tích đất sét và vỉa đá gốc.
Thông qua lập mô hình hành vi của những chất nền này, nhóm nghiên cứu chỉ ra đất chứa nhiều đất sét và đất bồi đắp nhân tạo đặc biệt dễ sụt lún. So sánh mô hình với dữ liệu vệ tinh đo độ cao mặt đất, các nhà nghiên cứu lập bản đồ ước tính độ sụt lún trên khắp thành phố. Họ cảnh báo quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, bao gồm bơm hút nước ngầm, khiến tình trạng sụt lún của New York càng thêm trầm trọng.
New York không phải thành phố duy nhất trải qua tình trạng này. 1/4 diện tích thủ đô Indonesia, Jakarta, có thể nằm dưới nước vào năm 2050. Nhiều nơi trong thành phố sụt lún gần 11 cm/năm do khai thác nước ngầm. Hơn 20 triệu cư dân Jakarta hiện nay đang đối mặt với khả năng di dời thành phố. Tương tự, phần lớn khu Manhattan của New York chỉ cao hơn 1 - 2 m so với mực nước biển hiện nay.
An Khang (Theo Science Alert)