- Anh Long ơi, cảm xúc của anh như thế nào khi ban giám khảo xướng tên anh trong đêm chung kết tối 27/10. (Phạm Vân Chi, 18 tuổi, Hà Nội)
- Vũ Thanh Long - Du học sinh 20 tuổi có cơ hội vào vũ trụ:
- Cảm ơn em đã tham gia chương trình. Anh cảm thấy rất ngạc nhiên về kết quả và đồng thời cũng tự hào và thấy mình đang mang một trách nhiệm lớn khi đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam sánh vai với bạn bè thế giới.
- Chào Long!
Em cho chị hỏi cơ duyên nào mà em biết đến cuộc thi vậy? Em quyết định bảo lưu việc học để tham gia chương trình này vậy đến hiện tại em có tiếc không? Chương trình này đã mang lại được cho em thứ mà em kỳ vọng chưa? Thanks em (Trương Ngọc Yến, 27 tuổi)
- Em có một người chị gái đã đọc được thông tin về cuộc thi tuyển này và đã chia sẻ với em. Ước mơ của em là được làm việc cho NASA. Việc tham gia cuộc thi đã phần nào tạo bước đệm để đạt được nguyện vọng của mình. Do đó cho đến thời điểm này em chưa có điều gì hối tiếc.
- Tại Australia, Long đang theo học ngành gì? Nhà trường có biết bạn bảo lưu để chinh phục vũ trụ? (Thảo Nhi, 20 tuổi, TP HCM)
- Mình đang học kỹ sư hóa học - một ngành liên quan nhiều đến nhiệt và năng lượng. Đây đều yếu tố thiết yếu trong ngành hàng không vũ trụ. Mình chưa thông báo với nhà trường lý do chính của việc bảo lưu học tập 1 năm là về Việt Nam tham gia cuộc thi.
- Chị rất tự hào khi đất nước Việt Nam mình được công nhận và vinh danh một người trẻ như em. Em có thấy cơ hội này là áp lực không? Em sẽ chuẩn bị gì cho cuộc chinh phục vũ trụ sắp tới? Chúc em sức khỏe, luôn nỗ lực và nhiệt thành với đam mê của mình nhé (Phạm Nguyễn Thiên Thư, 28 tuổi, 9 Phan Kế Bính, P. Đa Kao, Q. 1)
- Cơ hội này là một áp lực nhưng đồng thời là một động lực cho em hoàn thiện bản thân, khẳng định chính mình và thực hiện ước mơ. Để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới, em sẽ cố gắng rèn luyện thể lực, tiếng Anh và nhất là kỹ năng giao tiếp để có thể giới thiệu đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới.
Cảm ơn chị đã gửi lời chúc đến em! Lời chúc này của chị chính là một động lực giúp em cố gắng hoàn thành tốt vai trò đại diện thế hệ trẻ Việt Nam tại trại huấn luyện không gian toàn cầu.
- Chúc mừng bạn, đây thực sự là niềm vinh hạnh lớn lao. Là người Việt thứ 2 có thể được bay vào vũ trụ, bạn sẽ mang theo thông điệp gì cho chuyến đi của mình? Bạn sẽ mang theo lá cờ Tổ quốc trong chuyến đi chứ? (Thành Nhân, 40 tuổi, Hà Nội)
- Tự hào là người Việt Nam bay vào vũ trụ nên chắc chắn việc mang lá cờ Tổ quốc theo là điều không thể thiếu. Thông điệp cho chuyến đi của mình là khi bạn có ước mơ thì hãy quyết tâm thực hiện và nắm bắt mọi cơ hội có thể.
Chúc bạn cũng sẽ sớm thực hiện được ước mơ của bản thân.
- Chào anh Long. Em rất khâm phục anh. Anh có chia sẻ gì với lớp trẻ chúng em. Để trở nên tài giỏi như anh tụi em phải rèn luyện gì? Chúc anh sức khỏe và thành công. (Ngô Trí Đức, 16 tuổi, nam định)
- Anh cảm ơn lời thổ lộ của em ;).
Theo anh thì không ai sinh ra đã tài giỏi cả mà cần có sự rèn luyện nhất định. Anh tin rằng, nếu em có lòng quyết tâm và nhiệt huyết thì hoài bão có lớn đến mấy cũng có thể thực hiện được.
Chúc em một ngày tốt lành :)!
- Em có thể cho chị xin địa chỉ email không? Chị chúc em đã trở thành người việt nam thứ 2 có cơ hội bay vào vũ trụ. (thúy hồng, 30 tuổi, hà nội)
- Chị và mọi người có thể liên lạc với em qua địa chỉ email: balloon_0203@yahoo.com.vn. Em chúc chị may mắn và thành công trong cuộc sống nhé.
- Tôi tò mò muốn biết bạn sẽ mang theo vật gì khi bay lên vũ trụ? (Nguyễn Minh Tân, 23 tuổi)
- Ngoài lá cờ Tổ quốc, mình sẽ mang theo máy ghi hình để ghi lại toàn bộ những khoảnh khắc độc đáo trên vũ trụ để về chia sẻ với mọi người. Bạn nhớ đón xem nhé!
- Chào Long! Em có thể cho chị biết, em đã phải trải qua cuộc thi như thế nào để trở thành chủ nhân của chiếc vé người Việt thứ 2 có cơ hội đặt chân lên vũ trụ? Khi ban giám khảo xướng tên em, em có thấy bất ngờ không? (Lưu Hạnh, 31 tuổi, Thành phố Hòa Bình)
- Cả cuộc thi là một hành trình dài đầy chông gai thử thách, có cả niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Em đã phải trải qua khá nhiều vòng thi như: bình chọn, kiểm tra sức khỏe, thử thách thể lực liên hoàn, thử thách không trọng lực, thử thách định hướng trên không và phỏng vấn. Về thông tin chi tiết của từng vòng chị có thể xem thêm trên trang www.axeapollo.com hoặc trên youtube axevietnam.
Khi ban giám khảo xướng tên em trong gala công bố người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ, em lặng đi một lúc. Đúng là vô cùng bất ngờ và tự hào.
- Điều gì bạn sẽ làm đầu tiên khi được bay lên vũ trụ? (Lê Mạnh Linh, 20 tuổi)
- Cảm ơn bạn! Đây cũng là vấn đề mình đang suy nghĩ. Đúng là thời gian lên đó quá ít mà có quá nhiều dự định mà mình muốn là. Mình sẽ xếp thứ tự ưu tiên thế này: Mình sẽ tranh thủ ghi hình những khoảnh khắc có một không hai để có thể chia sẻ với mọi người trước khi có thể thoải mái ngắm nhìn trái đất xinh đẹp. Nếu còn thời gian, mình mới tính đến các việc tiếp theo.
- Anh Long ơi! Anh có người yêu chưa? Tiêu chí chọn bạn gái của anh là gì? (Thu Hương, 17 tuổi, Hà Nội)
- Chào em! Em hỏi vấn đề này làm anh hơi... ngại. Hihi.
Anh không yêu cầu gì nhiều ở bạn gái, chỉ cần người đó hiểu anh là được. Thế mà không hiểu tại sao đến giờ anh vẫn ế :( .
- Xin chúc mừng anh. Mình muốn hỏi anh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc chưa? Nếu chưa anh có nghĩ mình sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự không? (Long Nguyen, 25 tuổi, Số 8 Nguyễn Huy Tưởng F.6 Quận Bình Thạnh)
- Cảm ơn em! Vì phải đi học nên anh chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng sau khi đi học về, nếu có thể anh sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự để góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
- Chào Anh, rất ấn tượng về thành công của anh, anh nghĩ mình có bao nhiêu % ở vòng thế giới, anh nghĩ sao nếu đại diện của VN thất bại ở vòng này. (Son Trường, 18 tuổi, TP HCM)
- Chào em! Thực sự là một câu hỏi khiến anh phải suy nghĩ.
Sau khi vượt qua các vòng thử thách cam go tại Việt Nam một cách thành công thì anh tin rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của mình, việc vượt qua các thử thách tiếp theo của thế giới. Anh sẽ cố gắng hết sức bằng khả năng, nhiệt huyết và lòng đam mê. Còn lại, các vấn đề khác thì phụ thuộc vào việc anh có duyên với vũ trụ không nữa.hihi. Cảm ơn em. Chúc em vui
- Anh nghĩ mình có xứng đáng để trở thành Phạm Tuân thứ 2 không? (Nguyễn Phương Nam, 19 tuổi, 25/15 Cửu Long, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM)
- Cảm ơn em đã gửi câu hỏi đến chương trình.
Việc lựa chọn người đi huấn luyện tại Mỹ để bay vào vũ trụ do Ban giám khảo quyết định. Trong đó, bác Phạm Tuân - người Việt và người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ làm trưởng ban giám khảo. Hơn 20.000 người đăng ký tham gia và anh đã phải trải qua các vòng tập luyện, thử sức, phỏng vấn, giao tiếp với người nước ngoài và học tập các kỹ năng như khóa đào tạo phi công...
Bác Phạm Tuân là thế hệ đi trước. Anh là lớp trẻ kế cận sau này. Việc so sánh sẽ là khập khiễng. Còn việc xứng đáng hay không anh nghĩ em đã có câu trả lời! Chúc em vui.
- Bạn dự định sẽ làm gì để nối tiếp thành công này - trở thành người VN thứ 2 bay vào vũ trụ, kế hoạch trong thời gian tới của bạn là gì. (Hòa Nguyễn, 34 tuổi, TP HCM)
- Dù đã trở thành người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ thì sắp tới mình vẫn phải bồi dưỡng thêm rất nhiều kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để tiếp tục thực hiện ước mơ làm việc trong NASA. Đây cũng là kế hoạch sắp tới của mình.
- Anh nghĩ gì về trách nhiệm của mình trước và sau khi trở về trong lần bay vào vũ trụ này? (Nguyễn Văn Sơn, 30 tuổi, Thường Xuân - Thanh Hóa)
- Trách nhiệm trước và sau khi bay, theo anh sẽ giống nhau, đó là giúp khẳng định vị thế của đất nước với bạn bè thế giới.
- Chào bạn,
Chúc mừng bạn đã được là người Việt thứ 2 bay vào vũ trụ. Bạn cho mình hỏi bạn có dự định gì cho tương lai sau khi được giải thưởng này và sau chuyến đi lịch sử nay không? (Trúc, 25 tuổi)
- Sau chuyến bay mình sẽ trở lại với việc học và bồi dưỡng kiến thức để có thể tiến đến gần hơn với ước mơ làm việc cho NASA và góp phần phát triển khoa học nước nhà. Cảm ơn bạn!
- Ai là thần tượng của bạn hay nói cách khác, ai là người bà bạn ngưỡng mộ? (Hùng Anh, 20 tuổi, TP HCM)
- Chào bạn, người mà mình thần tượng chính là bác Phạm Tuân - người Việt Nam - châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và phi hành gia người Canada Chris Hadfield.
- Chào Long,
Chị rất khâm phục em vì em là người trẻ tuổi nhất lọt vào top 3 , và cũng là người VN trẻ tuổi nhất có cơ hội vào vũ trụ. Khi tham gia cuộc thi, em thấy cuộc thi có gì khó khăn nhất? Sắp tới chặng đường còn gian nan hơn, chúc em ngày càng thành công hơn nhé. (Loan Trần, 26 tuổi, Hà Nội)
- Cảm ơn chị nhé!
Khi tham gia cuộc thi thì thử thách khó khăn nhất với em là vòng phỏng vấn. Vì đây là vòng thi cuối cùng sau rất nhiều thử thách em đã phải vượt qua trước đó nên nếu bị loại em sẽ cảm thấy rất tiếc. Thêm nữa ở vòng này, ba vị giám khảo đều những người rất giỏi nên áp lực lớn cho em càng lớn hơn.
- Khi em qua Mỹ tập huấn, bạn sẽ giới thiệu gì về Việt Nam và thế hệ trẻ nước Việt ngày nay? (Nguyễn Minh Oanh, 37 tuổi)
- Khi qua Mỹ, em sẽ cho bạn bè thế giới biết rằng giới trẻ Việt Nam có nhiệt huyết, quyết tâm rất cao trong những việc mình làm. Còn Việt nam là một đất nước xinh đẹp, hòa bình, có những danh lam, thắng cảnh độc đáo của thế giới cùng một lịch sử hào hùng.
- Chào Long: Em cho anh hỏi vơi bản thân em thì trong cuộc thi này là vòng thi nào dễ và vòng nào là khó nhất trước khi em lọt vào top 3? Anh còn được biết thì em còn vượt qua được cả một số bạn đã được học qua về kỹ năng không quân rồi. (Phạm Viết Lĩnh, 120/47/3, KP6, P.Tân Tiến,Biên Hòa, Đồng Nai).
- Cảm ơn anh Lĩnh nhiều nhé! Với em vòng thử thách dễ nhất là kiểm tra sức khỏe vì mình... không phải làm gì cả. Còn vòng khó nhất có lẽ là thử thách định hướng trên không. Ở vòng này các thí sinh phải chạy trên đồi cát, là một địa hình rất khác và khó khăn hơn rất nhiều so với chạy trên địa hình bằng phẳng.
Cuộc thi này không chỉ đòi hỏi về thể lực mà còn nhiều kỹ năng khác và em vượt qua các bạn đã học qua về không quân ngoài nỗ lực của bản thân thì cũng có một chút may mắn.
- Hôm nay em là người thứ hai. Thế trong cuộc sống, em có chấp nhận về nhì? (Dy Khoa, 21 tuổi, TP HCM)
- Em nghĩ nếu về sau những người như bác Phạm Tuân thì về thứ 5 hay thứ 6 cũng ok ah. ;).
- Chào bạn
Sức khỏe và tâm trạng bạn thế nào? Tàu Colombia của Mỹ trước đây đã gặp thất bại, bạn có cảm thấy lo lắng? (xin lỗi nếu câu hỏi ko phù hợp,nhưng tôi muốn biết tâm lý của bạn thế nào vì nó cực kỳ quan trọng cho chuyến bay thành công sắp tới của bạn). Cảm ơn (T.Son, 38 tuổi, Hồ Chí Minh)
- Sau chiến thắng này mình đang ở đỉnh cao của sức khỏe và tâm lý.
Theo như bạn nói thì chuyến bay sắp tớ sẽ khá nguy hiểm và mình không nỡ để hai thí sinh còn lại phải chịu rủi ro này!
- Bạn sẽ khắc tên Việt Nam và tên mình vào hòn núi trong vũ trụ chứ Vũ Thanh Long? (Nguyễn Vân, 30 tuổi, Thái Bình)
- Yup!
- Câu hỏi cho anh hùng Phạm Tuân:
1. Ông có thể chia sẻ gì về thí sinh Vũ Thanh Long? Lý do gì khiến Long là người thắng cuộc?
2. Từ khi ông là người VN đầu tiên bay vào vũ trụ đến nay đã hơn 30 năm. Trong khoảng thời gian ấy ông đánh giá ngành hàng không vũ trụ VN có những bước tiến gì? Vì sao đến tận thời điểm này VN mới có thêm cơ hội đưa người thứ 2 lên vũ trụ?
3. Ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ, những người đam mê khoa học, đặc biệt là khoa học hàng không vũ trụ nhưng chưa đạt được thành công? (Việt Anh, 33 tuổi, Singapore)
- Trung tướng Phạm Tuân:
1. Cuộc thi tuyển này có những tiêu chí rất cụ thể: 18-35, sức khoẻ tốt, trình độ văn hoá từ tốt nghiệp cấp 3, trình độ tiếng ANh. Vũ Thành Long đã hội tụ đủ 3 tiêu chí trên và vượt qua rất nhiều thử thách của cuộc thi và trở thành người Việt Nam thứ 2 bay vào vu trụ
2. Chuyến bay của tôi trong điều kiện phe Xã hội chủ nghĩa còn rất mạnh, lúc đó Việt Nam tham gia cùng các nước Xã hội chủ nghĩa cùng các anh em để bay vào vũ trụ. Chuyến bay này vừa có ý nghĩa về khoa học công nghệ vừa có ý nghĩa chính trị rất cao. Liên Xô lúc bấy giờ là nước đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa, từng giúp Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Sau khi Việt Nam giải phóng, Liên Xô muốn giúp nước ta trên mọi lĩnh vực nên mong muốn đưa mối quan hệ của hai nước không chỉ ở mặt đất mà cả trên vũ trụ. Chuyến bay được thực hiện như thế. Còn thực tế để chúng ta để bay vào vũ trụ một cách độc lập thì Việt Nam chưa có điều kiện. Chính vì vậy sau khi Liên Xô tan rã, chương trình Intercosmoc cũng không tiếp tục hoạt động. Hàng không vũ trụ của chúng ta chuyển sang một hướng khác đó là tận dụng những thành tựu vũ trụ của các nước đi trước để ứng dụng cho sự phát triển kinh tế của đất nước chúng ta. Vừa qua, chúng ta đã tham gia phóng các vệ tinh. Chúng ta chưa có các đề tài nghiên cứu vũ trụ lớn nên chưa có điều kiện bay vào vũ trụ. Tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó các nhà khoa học của Việt Nam sẽ có những đề tài nghiên cứu về vũ trụ, và cần phải có người bay vào vũ trụ để thực hiện. Khi đó, chúng ta sẽ chuẩn bị các đội bay và chắc chắn chúng ta sẽ làm được những điều đó
3. Bay vào vũ trụ và nghiên cứu vũ trụ là một lĩnh vực khoa học rất mới không phải bất kỳ người nào cũng có điều kiện để tham gia. Nếu ai chưa có điều kiện trúng tuyển vào vũ trụ nhưng đam mê ngành này thì hãy tiếp tục đam mê ngành hàng không vũ trụ nhưng có thể tiếp tục học tập, rèn luyện để trở thành những nhà khoa học vũ trụ, tiếp tục đóng góp cho ngành hàng không vũ trụ của đất nước.
- Xin cháo Bác Phạm Tuân, Bác là người tài của Việt nam và cũng là người VN đầu tiên bay vào vũ trụ. Bác có thấy hãnh diện và tự hào về mình không? Vũ Thanh Long cũng có cơ hội là người thứ 2 được bay vào vũ trụ, cảm giác của bác thế nào? (Nguyễn Dũng, 35 tuổi, Hà nam)
- Trung tướng Phạm Tuân::
Cảm ơn cháu đã tham gia chương trình!
Bác rất tự hào được là đại diện của người Việt Nam bay vào vũ trụ. Như vậy thế hệ trẻ Việt Nam đã thực hiện được lời nói của Bác khi gặp phi công vũ trụ thứ 2 của Liên Xô - G.top khi ông sang thăm Việt Nam.
Đã đến lúc thanh niên Việt Nam có người bay vào vũ trụ. Và như vậy người Việt Nam chúng ta không những đánh giặc, giữ nước, xây dựng đất nước và có thể sánh vai với các cường quốc làm được những việc lớn lao. Tôi tự hào được đảm nhiệm công việc nặng nề nhưng vinh quang này mà nhân dân và đất nước giao cho. Tôi là người đầu tiên mang hình ảnh đất nước con người Việt Nam vào vũ trụ. Đến hôm nay, có người thứ 2 chuẩn bị để bay vào vũ trụ nếu Vũ Thanh Long thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thì toàn bộ hình ảnh con người, đất nước Việt Nam lại được nhắc đến trong vũ trụ. Đây là niềm vui không phải của riêng tôi mà của mọi người.
- Chào chú Phạm Tuân,
Cháu được biết chú đã bay vào vũ trụ từ cách đây hơn 30 năm, khi đó ngành hàng không của Việt Nam chưa phát triển mạnh, như vậy khi đó để vươt qua được các thử thách chú đã phải vượt qua những khó khăn gì? (Lê Thị Thanh Vân, 26 tuổi, Bình Dương)
Trung tướng Phạm Tuân: Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình!
Bay vào vũ trụ không phải là dễ dàng chính vì vậy người phi công vũ trụ cần phải có những phẩm chất nhất định như sức khoẻ, hiểu biết về khoa học vũ trụ, hiểu biết về kỹ thuật của hàng không vũ trụ (tàu vũ trụ). Để đạt được những tiêu chí đó đòi hỏi phi công vũ trụ trước hết phải có ý chí quyết tâm bởi chuyến bay vũ trụ mang theo sự mạo hiểm. Vấn đề thứ hai là phải học tập để điều khiển thật tốt con tàu, thuần thục các động tác thực hiện trên tàu vũ trụ. Đội bay của chúng tôi rèn luyện gần 2 năm trong trung tâm vũ trụ mang tên Gagarin. Chúng tôi phải trải qua tất cả những trải nghiệm từ không trọng lượng đến tăng trọng lượng trong các điều kiện rất ngặt nghèo. Các điều kiện tập luyện đó đòi hỏi phi công phải bình tĩnh tỉnh táo và xử lý chuẩn xác các tình huống có thể xảy ra. Trong quá trình chuẩn bị chúng tôi có hai đội bay của tôi và anh Bùi Thanh Liêm. Chúng tôi cùng nhau luyện tập và qua các cuộc thi tuyển hết sức ngặt nghèo. Cuối cùng, hội đồng quốc gia của Liên Xô quyết định một đội bay chính thức. Rất may mắn tôi là người đã trúng tuyển và thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam vào vũ trụ.
- Thưa bác Phạm Tuân, khi bác bay ra ngoài vũ trụ, trải nghiệm trong môi trường không trọng lực cảm giác của bác thế nào ạ?
Từ trái đất, để bay lên vũ trụ thì có phải thực hiện bước nhảy ánh sáng gì không? hay chỉ là phi thuyền bay lên bình thường thôi?
Con cảm ơn bác (Lê Kim Phượng, 17 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định)
- Trung tướng Phạm Tuân:
Tình trạng không trọng lượng là rất khó tạo ra ngay cả trong lúc luyện tập chúng tôi cũng ở trạng thái không trọng lượng một cách tương đối như bơi vào trong bể nước lặn. Do đó khi con người rơi vào tình trạng không trọng lượng thì vô cùng lý thú, suốt ngày bay lượn trên không như con chim, mọi đồ vật đều bay lơ lửng xung quanh. Có lẽ đó là một trạng thái rất tuyệt vời mà tôi không tả hết bằng lời nhưng trạng thái không trọng lượng cũng làm con người hết sức mệt mỏi, thậm chí "bị say" trong vũ trụ bởi vì khi cân bằng về trọng lượng, con người không còn chịu sức hút của trái đất vô hình chung máu không chảy xuống chân như ở dưới đất mà ngược lại chảy lên đầu nhiều hơn gây nên tình trạng thừa máu ở trên đầu, thiếu máu ở phần dưới chân. Con người bị thay đổi hoàn toàn về điều kiện sống nên như bị say. Những ngày đầu, có những phi công không chịu đựng được nên bị say, nôn mửa, giảm khả năng làm việc. Tôi cũng bị choáng váng mất vài ngày đầu nhưng sau đó ổn định và làm việc bình thường. Nói chung tình trạng có trọng lượng dưới đất vẫn thích hơn còn tình trạng không trọng lượng chỉ để thưởng thức.
Tôi bay vào vũ trụ bằng lực đẩy của tên lửa nhiều tầng, không hề có bước nhảy ánh sáng như bạn nghĩ.
- Chào anh chị, cho em hỏi tiêu chí cụ thể đề chọn ra người thắng cuộc là gì, vì em thấy trong top 3, hai thí sinh còn lại có nhiều lợi thế hơn, (Trường Giang, 20 tuổi, nhatrang)
- Trung tướng Phạm Tuân:
Như tôi đã nói ở trên. Trong tuyển chọn có đặt ra tiêu chí cụ thể: tuổi đời từ 18 đến 35, có sức khoẻ tốt (được tuyển chọn theo tiêu chí phi công Việt Nam của Viện y Học hàng không Việt Nam), có trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT trở lên, tiếng Anh tốt (có trung tâm Anh nghữ ILA kiểm tra) và vượt qua các thử thách mà ban tổ chức đã đề ra (lặn biển, nhảy dù, và 3 môn thể thao kết hợp bơi - chạy - xe đạp). Ngoài ra, còn kiểm tra phần giao tiếp. Những thí sinh đạt những tiêu chuẩn đó coi như trúng tuyển. Trên thực tế tuyển chọn vừa qua, nhiều thí sinh lọt vào những tiêu chí này nhưng trong quy chế đã đề ra chỉ chọn có 1 người nên ban tổ chức phải chọn 1 người ưu tú nhất trong số những người ưu tú này và Vũ Thành Long đã đạt thành tích cao nhất (sức khoẻ tốt, tiếng Anh giỏi, qua các thử thách đều đạt loại tốt). Tổng cộng toàn diện các điểm là người có số điểm trội hơn nên được chọn.
- Chào bác Phạm Tuân,
Chuyến bay từ trái đất ra ngoài vũ trụ của bác mất bao lâu thời gian? Và trong khoảng thời gian đó thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống sinh hoạt của bác không? (Lê Việt Cường, 27 tuổi)
- Trung tướng Phạm Tuân:
Từ lúc tên lửa rời bệ phóng đến lúc con tàu bay vào vũ trụ (bắt đầu tình trạng không trọng lượng), thời gian là 9 phút. Trong quá trình đó, khi tên lửa tăng tốc độ để đạt được tốc độ vũ trụ cấp 1, phi công chịu sức đè rất lớn nhưng phi công luôn luôn phải báo cáo về mặt đất tình trạng làm việc của con tàu (độ rung, áp suất, nhiệt độ và các thông số kỹ thuật khác). Trong điều kiện có sức nặng (khoảng 5-6g) thì phi công chiến đấu như chúng tôi đều chịu đựng không mấy khó khăn. Trong lúc công việc rất khẩn trương chúng tôi cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Thực tế quá tải đè lên con người không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của chúng tôi.
- Chào bác Tuân ,
Theo dõi cuộc thi này, cháu rất vui và hào hứng về sứ mệnh đưa người VN vào vũ trụ, nhưng vẫn còn một vòng thi cam go tại Mỹ, bác nghĩ liệu thí sinh VN có thể chiến thắng và thật sự trở thành người VN thứ 2 bay vào Vũ trụ không bác? Chúc bác thật nhiều sức khỏe! (Thảo Phạm, 28 tuổi, TP HCM)
- Trung tướng Phạm Tuân:
Tôi từng tuyển chọn phi công chiến đấu và được tuyển chọn để trở thành phi công vũ trụ. So sánh với lần tuyển chọn này, tôi thấy lần này chúng ta làm rất đầy đủ và toàn diện. Các thiết bị y học cho phép chúng ta kiểm tra đầy đủ hơn để đánh giá tình trạng sức khoẻ của các thí sinh. Viện Y học Hàng không Việt Nam sau hơn 30 năm cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong tuyển chọn phi công. Hơn nữa, các phương tiện trợ giúp để kiểm tra các thí sinh cũng đầy đủ hơn (như lặn dưới biển, nhảy dù...) cũng cho phép chúng ta đánh giá thêm được khả năng của các thí sinh xem có thể trở thành phi công được hay không. Đồng thời trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước tốt hơn, các cháu được nuôi dưỡng tốt hơn về vật chất và tinh thần. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng phát triển nên cáu cháu có nhiều thông tin, trong đó có thông tin về hàng không vũ trụ. Chính vì vậy từ kinh nghiệm bản thân tôi tin rằng các cháu đã có mơ ước, quyết tâm trong khám tuyển vừa qua và nếu giữ được quyết tâm mơ ước như vậy trong trung tâm huấn luyện chắc chắn sẽ đạt thành tích cao, vượt qua vòng thử thách cuối cùng để bay vào vũ trụ (tôi cũng lưu ý chuyến bay vũ trụ của tôi và sắp tới có khác nhau. Tôi bay trên con tàu vũ trụ của Liên Xô và làm việc trong 8 ngày, đây là chương trình quốc gia. Còn chuyến bay sắp tới là bay trên máy bay vũ trụ - bay lên độ cao trên 100 cây số, tạo điều kiện không trọng lượng để phi công thưởng thức các trạng thái của một chuyến bay vũ trụ đó là tăng trọng lượng khi máy bay tăng tốc độ để đạt độ cao vũ trụ, thưởng thức tình trạng không trọng lượng trong vũ trụ, ngắm nhìn trái đất từ độ cao của vũ trụ). Dù sao đây cũng là chuyến bay vũ trụ đòi hỏi thí sinh của chúng ta phải thật cố gắng để đạt được mục tiêu này.
- Chào bác Phạm Tuân. Bác cho cháu hỏi, trong 23 người sau cùng có cơ cấu sẽ có 1 người Việt bay lên vũ trụ hay không. Cảm ơn bác (Thanh Nga, 30 tuổi, Hà Nội)
- Trung tướng Phạm Tuân:
Hãng hàng Unilever phối hợp với Viện Hàng không vũ trụ của Mỹ tổ chức tuyển chọn ở 70 nước, lấy các thí sinh tham gia vào 1 lớp huấn luyện và sau đó chọn 23 người để thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Hãng Unilever tuyển chọn một ứng viên của Việt Nam tham gia chương trình này. Chúng ta là một nước có dân số không nhỏ đã có truyền thống lao động và chiến đấu, đã có những đại diện bay vào vũ trụ như vậy tôi tin rằng thí sinh của chúng ta sẽ nối tiếp được những truyền thống đó, sẽ là đại diện xuất sắc của người Việt Nam, giành được chiếc vé bay vài vũ trụ. Theo thông tin tôi được biết qua Giám đốc Unilever ở VN, chúng ta rất có khả năng có đại diện bay vào vũ trụ lần này.
VnExpress