Người gửi: Phan Danh Hiếu
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: NẾU LÀ “VŨNG LẦY BẤT TẬN” THÌ NÓ VẪN LÀ MỘT TÁC PHẨM HAY.
Nếu như văn chương mà phải chạy theo cái tốt thì văn chương sẽ không còn giá trị hiện thực nữa. Mà không phải người đọc nhìn vào thấy tốt là người ta nghĩ tốt đâu (sẽ nghi ngờ chứ). Với lại nếu văn chương mà phải định hướng để nói tốt không thôi thì nhà văn sẽ không còn gì để sáng tạo. Vì sao ư, vì chúng ta đã bắt nó chạy theo “mẫu”. Chính nhà văn Nam Cao cũng đã từng lên án thứ văn chương chạy theo kiểu mẫu đó: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ biết dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa). Thế mới là văn chương. Vậy nếu cứ bắt người ta làm theo mẫu chính là bắt người ta phụ lại văn chương. Mà đã như vậy thì không bao giờ chúng ta được cảm nhận những tác phẩm hay.
Thực tế, Nguyễn Ngọc Tư chỉ nêu lên những cái xấu của văn hoá nông thôn, mà nêu ra để người ta tránh mà thôi. Như việc đánh ghen chẳng hạn, đánh cho người ta tơi tả, bầm dập thân xác… để thoả mãn lòng ích kỷ. Hay việc bà mẹ nhìn thấy sự giàu sang của anh hàng vải và bỏ cả gia đình để chạy theo trai là điều hoàn toàn có thật ở những vùng nông thôn. Đó chính là hiện thực. Việc chạy theo những lời phê phán khiến người ta không nhận ra được chất nhân văn của truyện. Đó chính là hình ảnh thật đáng thương và tội nghiệp của hai đứa trẻ trong truyện. Vấn đề đặt ra ở đây là: đáng lẽ ra những đứa trẻ này phải được đến trường, được đi học, được đùa vui, thế nhưng cuộc đời đã bắt chúng phải xa lìa những niềm vui để lang thang trên những cánh đồng, để nhận những nỗi buồn và những đắng cay cơ cực của kiếp người mà đáng lẽ ra chúng chưa đủ tuổi để nhận điều đó. Đó còn là vấn đề gia đình, còn là sự lên án vai trò của bậc làm cha làm mẹ, là sự thiếu quan tâm của phụ huynh tới con em...
Còn nói về chuyện sex trong Cánh đồng bất tận thì theo tôi không có gì là xấu cả. Ở nông thôn thiếu gì hiện tượng người đàn ông cục cằn, lỗ mãng chỉ biết thoả mãn mình mà không thèm quan tâm đến nỗi đau của người phụ nữ. Còn trong truyện này, cái mà NNT nói đều “nhẹ hều” chẳng có gì để mà bàn cãi cả. Nếu bàn cãi vấn đề này tại sao không nói về tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu?
Một điều đáng nói ở đây nữa là, Văn nghệ sông Cửu Long đã có bàn tròn về văn học sông Cửu Long và một câu hỏi đặt ra là: “ 30 năm rồi mà chưa có tác phẩm nào lớn”. Thì đây chính Cánh đồng bất tận là cú đột phá rồi còn gì. Thế nhưng khi nó vừa được sinh ra thì đã bị vùi dập.
Phan Danh Hiếu
GV trường THPT Bùi Thị Xuân.
Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai.